BƯỚC ĐẦU KHỞI NGHIỆP - LÀM SAO CHO ĐÚNG ?

Chỉ tính riêng ở Việt Nam, mỗi ngày, có hàng trăm doanh nghiệp trẻ đổ xô đăng ký thành lập trên thị trường, đánh dấu mức tăng trưởng cao kỷ lục trong những năm gần đây. Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra ở đây là:  Liệu có mấy ai thực sự hiểu thế nào là khởi nghiệp và làm cách nào để khởi nghiệp thành công ?

Ngược dòng thời gian trở về giai đoạn năm 1961 - 2001, khi mà cơn sốt Internet đang dần lan tỏa, hàng loạt công ty có đuôi “.com” bắt đầu xuất hiện tại Thung lũng Silicon, báo hiệu cho sự bùng nổ của phong trào khởi nghiệp trên toàn thế giới nói chung & Việt Nam nói riêng. Và thực tế đã chứng minh điều đó. Theo cơ sở Dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số lượng startup đăng ký thành lập đang ở mức cao chưa từng thấy trong những năm gần đây, và được dự đoán sẽ còn tăng thêm nữa trong hai năm tới.

Mặc dù vậy, những số liệu nêu trên chỉ đơn thuần phản ánh sự nhận thức và mong muốn tham gia (có thể là nhất thời) của các doanh nghiệp vào lĩnh vực startup, còn để đánh giá mức độ hiểu biết và tầm nhìn, chiến lược của họ thì đó lại là một câu chuyện khác. Song song bên cạnh việc tốc độ tăng trưởng nhanh kỷ lục, đã có hàng chục, hàng trăm startup “chết yểu” chỉ vì lý do: Không thực sự hiểu rõ bản chất của việc khởi nghiệp và không biết cách định hình, phát triển doanh nghiệp của mình trong tương lai. 

Vậy, thực chất, khởi nghiệp là gì ? 

Hiểu đơn giản, khởi nghiệp là khi bạn hiện thực hóa một dự định ấp ủ về một công việc kinh doanh mà tại đó, bạn là người quản lý, nhà sáng lập hay đồng sáng lập. Dù cho sản phẩm kinh doanh của bạn còn mới hay đã xuất hiện trên thị trường, chỉ cần là ý tưởng của bản thân, thì đều được coi là khởi nghiệp.

Lợi ích của việc khởi nghiệp.

Đối với những doanh nghiệp startup, khởi nghiệp đem đến trực tiếp cho họ nguồn lợi tài chính mà không phải thông qua việc đi làm thuê ở các công ty khác. Những nhà sáng lập sẽ được có cơ hội tự thử sức bản thân ở vai trò lãnh đạo các nhân viên và giám sát sự tăng trưởng của công ty qua từng giai đoạn. Từ đó, để ra hướng đi phù hợp cho nhu cầu phát triển và mở rộng của doanh nghiệp trong tương lai. 

Đối với xã hội, đặc biệt là người lao động, sự ra đời của các doanh nghiệp startup đã phần nào giải quyết bài toán “thiếu việc làm” của đất nước, tạo ra nguồn thu nhập cho người lao động nuôi sống bản thân và gia đình.

Bên cạnh đó, khi các startup khởi nghiệp thành công, điều đó cũng gián tiếp góp phần giảm thiểu các tệ nạn nghiêm trọng như: trộm cắp, bài bạc, ma túy… và đồng thời giảm bớt áp lực lên chi phí trợ cấp thất nghiệp của Nhà Nước, chi phí an sinh, xã hội, đưa nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới. 

Và để khởi nghiệp thành công, bạn cần phải:

1. Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu.

Cuộc chiến thương trường lúc nào cũng gay gắt và tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Do đó, việc các nhà doanh nhân bắt đầu khởi nghiệp với một chút thành tựu ngày hôm nay, nhưng ngày mai lại tuyên bố phá sản là một câu chuyện rất đỗi quen thuộc. Và đa phần, những doanh nghiệp này thường mắc phải một điểm chung, chính là: Thiếu một chiến lược phát triển thương hiệu bền vững. 

Hãy thử tượng tượng thành công là một con đường dài được lát bởi những viên đá.  Còn chiến lược chính là lớp xi măng gắn kết những viên đá đó lại với nhau, tạo thành một con đường hoàn chỉnh. Nếu một doanh nghiệp quyết định dấn thân vào thị trường mà thiếu đi một kế hoạch phát triển rõ ràng, cụ thể,  khả năng rất cao là doanh nghiệp đó sẽ đi chệch hướng so với mục tiêu ban đầu đề ra và không thể đạt chỉ tiêu doanh thu để hoàn lại nguồn vốn. Do đó, hệ lụy để lại là công ty không có khả năng đầu tư và mở rộng quy mô doanh nghiệp.

Để giải quyết bài toán chiến lược vốn luôn là vấn đề nan giải cho các doanh nghiệp trẻ, những nhà sáng lập có thể chủ động làm quen và học hỏi từ những người xung quanh. Bắt đầu từ những doanh nghiệp vừa và nhỏ, rồi dần dần tiến đến những “cái tên” lớn hơn hoạt động trong cùng một lĩnh vực, mỗi người sẽ đem đến một bài học về cách nhìn, lối suy nghĩ, tư duy làm việc khác nhau và thông qua những bài học đó, những startup trẻ có thể đúc kết những kinh nghiệm kinh doanh khi bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên trên con đường sự nghiệp. 

2. Tuyển dụng và đào tạo.

“Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Thành công của một startup không chỉ đơn thuần nhờ vào khả năng lãnh đạo của người sáng lập, mà còn  là sự chung tay, góp sức đến từ một đội ngũ nhân viên phối hợp ăn ý và làm việc hiệu quả. Do đó, muốn đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài cho doanh nghiệp, bên cạnh chiến lược, nhân sự cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng và rất cần được để ý. Bởi lẽ, bạn không thể tuyển dụng những người thiếu năng lực, vô trách nhiệm vào làm việc cho công ty và đồng thời, đòi hỏi họ phải đạt đúng yêu cầu về năng suất và chất lượng làm việc. Hãy xác định kĩ càng những tiêu chuẩn cần thiết mà công ty mong muốn ở những nhân viên tương lai, để từ đó, tạo cơ sở cho bộ phận tuyển dụng có thể xác định những đối tượng phù hợp với tiêu chí đề ra. Một khi đã lựa chọn được nguồn lực tiềm năng cho doanh nghiệp của bạn, hoạt động đào tạo sẽ trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều, do không phải tập trung vào mảng rèn luyện kỹ năng và bổ sung kiến thức chuyên môn mà chỉ cần phát triển tư tưởng làm việc, để nhân viên có cùng tầm nhìn với công ty theo thời gian. 

3. Quản lý nguồn vốn. 

Mỗi dự án khởi nghiệp sẽ vẫn còn là một ý tưởng trên bàn giấy nếu doanh nghiệp không thể huy động đủ nguồn vốn để thực hiện ý tưởng đó. Vì vậy, việc kiểm soát nguồn vốn là một công việc vô cùng quan trọng và rất cần được lưu ý, đặc biệt là đối với các startup mới nổi. Đừng chỉ câu nệ vào những giá trị sinh lời trong phút chốc mà quyết định mức đầu tư vượt ngưỡng cho phép. Điều đó không chỉ không bảo đảm cho doanh nghiệp của bạn thu về lợi nhuận như mong muốn mà còn có thể đem lại rủi ro tài chính rất cao. Hãy nhớ rằng, chìa khóa dẫn đến mức độ phủ sóng của doanh nghiệp cao hay thấp, không phụ thuộc vào vấn đề nguồn vốn nhiều hay ít, quan trọng là ở cách quản lý sao cho hiệu quả và tối ưu hóa khả năng thu hồi số tiền đầu tư đã bỏ ra.

4. Đặt trọn niềm tin vào ý tưởng. 

Khi quyết định bắt đầu một dự án khởi nghiệp, những startup sẽ phải lường trước khả năng dự án đó có thể đón nhận vô vàn những ý kiến trái chiếu khác nhau. Và bạn – với cương vị là nhà sáng lập, không thể chỉ chăm chăm vào việc thay đổi và đáp ứng yêu cầu của từng người, vì công việc đó không chỉ bất khả thi mà còn rất tốn quỹ thời gian quý giá mà bạn có thể dùng để làm những việc khác. Đừng để cho những tiêu cực bên ngoài làm lung lay đến quyết tâm của bạn. Nếu bạn có đam mê đủ lớn, hãy lắng nghe, trung hòa nhưng vẫn giữ vững lập trường của bản thân và quyết tâm hiện thực hóa ý tưởng tới cùng.Trên bước đường tương lai sau này, doanh nghiệp của bạn thậm chí sẽ còn phải đón nhận rất nhiều khó khăn và trở ngại hơn nữa, do đó, hãy giữ cho ngọn lửa ý chí trong lòng và niềm tin vào đam mê luôn cháy rực, vì chỉ có như thế, bạn mới có thể lèo lái “đứa con tinh thần” của mình là công ty, vượt qua những ngọn núi “thử thách” đang chờ đợi phía trước. 

Lời kết. 

Khởi nghiệp từ lâu đã vượt ra khỏi ranh giới của định kiến “ xu hướng nhất thời”, mà đang dần trở thành một điều tất yếu trong thế giới kinh doanh muôn hình vạn trạng, trở thành ước mơ của biết bao bạn trẻ có mong muốn đem đến thay đổi thông qua lăng kính cá nhân. Tuy nhiên, từ giai đoạn ý tưởng đến giai đoạn hành động là một khoảng cách rất dài, đòi hỏi những nhà khởi nghiệp trẻ phải có sự thấu hiểu tường tận về dự án mình đang ấp ủ và sự tính toán thận trọng từng bước đi. Sẽ có những trái ngọt “thành công” đang chờ được gặt hái, nhưng cũng xen lẫn đó, là dư vị của thất bại đang chờ người nếm trải. Mặc dù vậy, “không nỗi đau rứt lá, sao làm nổi nhành mai”, đừng ngại việc bản thân sẽ vấp ngã bao nhiêu lần, hãy làm cho những lần vấp ngã đó trở nên có giá trị, không chỉ riêng cho bạn, mà còn cho doanh nghiệp của bạn.