NẮM BẮT ƯU THẾ THỜI ĐẠI CÙNG KHỞI NGHIỆP TINH GỌN 

Các bạn trẻ ngày nay đang xu hướng tự bản thân khởi nghiệp. Vậy liệu các bạn đã biết đến thuật ngữ “Khởi nghiệp tinh gọn” hay chưa?


“Khởi nghiệp tinh gọn” là mô hình khởi nghiệp hiện đại và mới mẻ, thích ứng tốt với những biến đổi khôn lường của thị trường.

I. Khởi nghiệp tinh gọn là gì?

Khởi nghiệp tinh gọn là mô hình được sử dụng phổ biến cho các doanh nghiệp mới thành lập. Điểm đặc biệt của mô hình này là các sản phẩm có thể phát triển dựa vào những đánh giá đã được chứng minh của người tiêu dùng ngay từ những ngày đầu ra mắt sản phẩm. Từ đó, doanh nghiệp có thể hạn chế sự lãng phí về tài nguyên như chi phí, sức lao động,...


Khởi nghiệp tinh gọn là công cụ thúc đẩy quá trình sản xuất và thu lợi nhuận của doanh nghiệp diễn ra nhanh chóng hơn. Chính vì lẽ đó, mô hình này đã trở thành một làn sóng mới trong khởi nghiệp.

II. 5 nguyên lý của khởi nghiệp tinh gọn: 

1. Nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm demo nhanh chóng

Để hiện thực hóa một ý tưởng, việc đầu tiên các doanh nghiệp cần làm là tạo ra một bản demo cho sản phẩm. Điểm nổi bật trong nguyên lý này là các sản phẩm demo sẽ được sản xuất với số lượng ít và cho ra mắt thị trường, dựa vào phản ứng của khách hàng, các doanh nghiệp có thể tự nhìn nhận và đánh giá những điểm giống và khác nhau trong từng sản phẩm từ đó thay đổi và phát triển tốt hơn những đặc điểm độc đáo của chúng.  

Quá trình này mang lại lợi ích vô cùng to lớn đối với doanh nghiệp, các Startup sẽ bước đầu nhìn thấy được những rủi ro và lợi ích của sản phẩm từ đó có thể tìm cách khắc phục chúng. Tóm lại, việc tạo ra sản phẩm demo là khởi đầu vô cùng quan trọng khi bắt đầu đưa ý tưởng vào sản xuất. 

2. Xây dựng - Học hỏi - Đo lường

Khi sử dụng mô hình này, các doanh nghiệp không nên kỳ vọng quá cao về sản phẩm đầu tiên của mình. Thay vào đó,  việc doanh nghiệp cần làm là để khách hàng tự cảm nhận và đánh giá sản phẩm khi lần đầu ra mắt từ đó, doanh nghiệp có thể đo lường và từng bước hoàn thiện “đứa con tinh thần” của mình. 


Các sản phẩm được tung ra thị trường đều có chung một mục đích là đáp ứng các nhu cầu về lý tính hoặc cảm tính của khách hàng. Vì vậy, việc trả lời câu hỏi: “Sản phẩm này đem lại giá trị gì cho khách hàng?” là điều tất yếu. Các doanh nghiệp cần lắng nghe những góp ý và phản hồi về sản phẩm của khách hàng nhằm tìm cách loại bỏ những nhược điểm và phát huy những ưu điểm cho sản phẩm.

3. Trọng tâm và bảo tồn

Thuật ngữ quan trọng trong nguyên lý này là ma trận BCG (Boston Consulting Group), một ma trận giúp doanh nghiệp xác định chính xác và tối ưu hóa chiến lược phát triển thị phần. 


Sản phẩm khi ra mắt thị trường sẽ luôn rơi vào 4 nhóm của ma trận BCG:


Nhằm đạt được các mục tiêu thị phần và nâng cao doanh số, các doanh nghiệp cần đưa các sản phẩm vào nhóm thích hợp. Khi áp dụng cách thức vận động của ma trận vào thực tế, doanh nghiệp cần loại bỏ các sản phẩm không bán được, sản xuất gấp đôi số lượng sản phẩm bán đều đặn, và tập trung nguồn lực vào các sản phẩm bán chạy và ít tập trung hơn cho các sản phẩm không biết kết quả bán như thế nào.

4. Đo dung lượng thị trường

Những nhà quản lý luôn hướng đến mục tiêu phát triển lâu dài cho doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ để đo lường nhằm phát hiện sự chuyển dịch của thị trường từ đó phát triển các chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp.


Doanh nghiệp có thể đo lường thị trường thông qua các tham số khác nhau như nghiên cứu các thị trường có nét tương đồng, tham chiếu các công ty khởi nghiệp nước ngoài kinh doanh các sản phẩm tương tự, các công ty đã có sự chuyển đổi,...

5. Nghiên cứu đối thủ

Các Startup không phải quá lo lắng khi doanh nghiệp bắt đầu có đối thủ cạnh tranh vì điều này đã chứng minh rằng sản phẩm đang có nhiều tiềm năng để có thể phát triển. Xuất hiện đối thủ đồng nghĩa với việc sản phẩm đã có mặt nhiều hơn trên thị trường, từ đó khách hàng sẽ biết đến nhiều hơn. Đây có thể được xem là tín hiệu tốt đối với sản phẩm mà doanh nghiệp đang phát triển.


Tuy nhiên, sự xuất hiện của các đối thủ cũng là thách thức đối với các Startup. Việc này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những chính sách quảng bá và cải tiến sản phẩm mạnh mẽ hơn nếu không khách hàng sẽ còn không chấp nhận sản phẩm, điều này đồng nghĩa với việc, sản phẩm của doanh nghiệp có nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường.

III. Phân biệt giữa khởi nghiệp tinh gọn và lập nghiệp kinh doanh truyền thống

1.  Định hướng chiến lược kinh doanh

Chiến lược trong mô hình khởi nghiệp tinh gọn được áp dụng từ những chiến lược có sẵn và được thay đổi để phù hợp với doanh nghiệp và những biến động của xã hội. Chính vì thế, mô hình này sẽ xuất hiện ít rủi ro cũng như tiết kiệm được các khoản chi phí và thời gian hơn cho doanh nghiệp.


Trong khi đó, khởi nghiệp truyền thống sẽ tự xây dựng mô hình và chiến lược kinh doanh đặc trưng. Điều này đã làm xuất hiện nhiều rủi ro hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu các Startup có những chiến lược phát triển xuất sắc thì đây sẽ là một ưu điểm giúp doanh nghiệp đánh bật các đối thủ cạnh tranh khác.

2. Trọng tâm của quá trình phát triển sản phẩm

Trong khởi nghiệp tinh gọn, khách hàng luôn là đối tượng được quan tâm hàng đầu. Trước khi chính thức đưa sản phẩm ra thị trường, các Startup thực hiện cái khảo sát và tiến hành thực nghiệm để xác định mức độ đón nhận của khách hàng đối với sản phẩm. Đây là một phương pháp an toàn, nhanh chóng và giảm thiểu các rủi ro về nhân lực và chi phí cho doanh nghiệp.


Đối với mô hình khởi nghiệp truyền thống, các sản phẩm sẽ được chính thức tung ra thị trường trước khi khảo sát mức độ quan tâm đối với sản phẩm của khách hàng. Ở mô hình này, doanh nghiệp sẽ tập trung vào các chính sách nhằm mở rộng thị phần sau đó doanh nghiệp mới quan tâm đến sự chào đón sản phẩm của khách hàng. Ở mô hình sẽ khiến các Startup gặp nhiều thử thách trong vấn đề nguồn vốn cũng như phải bắt cập kịp thời những biến động khôn lường của thị trường.

3. Quan điểm tuyển dụng

Khi tuyển dụng, những doanh nghiệp hoạt động theo mô hình khởi nghiệp tinh gọn sẽ tìm kiếm những ứng viên có sự đam mê học hỏi, nhiệt tình và dễ thích nghi. Khởi nghiệp tinh gọn mong muốn tìm thấy những nhân tài đủ sức để đối mặt với mọi sự biến động của nền kinh tế, đặc biệt là trong thời đại công nghệ nhanh chóng như hiện nay.


Đối với tuyển dụng trong khởi nghiệp truyền thống, các nhà quản lý sẽ dựa trên kinh nghiệm và sự gắn bó của ứng viên để xem xét về mức độ phù hợp của ứng viên. Tuy nhiên, các tiêu chí tuyển dụng này sẽ làm hạn chế đối tượng ứng tuyển và khi làm việc, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các ý tưởng mới mẻ, phù hợp với xu hướng hiện đại.

IV. Lợi ích của khởi nghiệp tinh gọn

1. Doanh nghiệp có thể tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường

Nhờ có sự phản hồi về mức độ hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm ngay khi vừa ra mắt, doanh nghiệp có thể ngày càng hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm hơn.


Hơn thế nữa, khi áp dụng mô hình này vào thực tế, khách hàng sẽ được tiếp cận với sản phẩm dễ dàng hơn, từ đó tạo sự thân thuộc giữ người tiêu dùng và sản phẩm; từ đó, doanh nghiệp có thể tăng sự chấp nhận của họ đối với sản phẩm.

2. Làm việc thông minh, giảm thiểu rủi ro khi làm việc

Nền kinh tế nước ta đang có nhiều biến động dữ dội, việc nắm bắt và cải thiện kịp thời là điều vô cùng cần thiết. Khởi nghiệp tinh gọn ra đời nhằm giúp doanh nghiệp có thể bắt cập liên tục và nhanh chóng những thay đổi của xã hội và thực hiện các chiến lược kinh doanh phù hợp.


Khởi nghiệp tinh gọn giúp doanh nghiệp có thể kiểm soát được tầm nhìn  một cách thường xuyên và liên tục từ đó có thể điều chỉnh kịp thời, giảm thiểu các rủi ro về nguồn lực và chi phí. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có thất bại, họ vẫn có thể dùng khoản vốn đó và đầu tư vào dự án khác.

3. Đáp ứng nhanh nhất có thể nhu cầu của khách hàng

Doanh nghiệp có thể tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhanh chóng hơn thông qua hình thức khởi nghiệp tinh gọn. Phản hồi các góp ý của khách hàng giúp họ tăng niềm tin và độ hài lòng đến với doanh nghiệp.


Ngoài ra, khởi nghiệp tinh gọn còn cho phép doanh nghiệp chuyển hướng hoặc thay đổi chiến lược kinh doanh một cách nhanh chóng. Sự đổi mới chiến lược này giúp doanh nghiệp cải thiện được năng suất lao động và chất lượng công việc.

4. Học hỏi và kiểm chứng

Các doanh nghiệp có thể học hỏi những kiến thức tuyệt vời từ những yêu cầu của khách hàng và từ đó hoàn thiện cũng như đáp ứng các nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất.


Những phản hồi của khách hàng giúp doanh nghiệp nhìn nhận rủi ro và đối mặt với chúng dễ dàng hơn. Ngoài ra, kiểm chứng thông qua góp ý của khách hàng đã tạo một động lực thúc đẩy doanh nghiệp tăng cao giá trị sản phẩm.

Kết:

Khởi nghiệp tinh gọn là thuật ngữ được đúc kết từ việc các doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm và phát minh ra các mô hình kinh doanh phù hợp. Mô hình trên đã  giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm về cả chi phí lẫn sức khỏe của người lao động. Và hơn hết, mô hình này đang ngày càng trở nên phổ biến trong kinh doanh, các Startup nên bắt kịp xu hướng nhằm nắm bắt thời cơ trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay.

                                                                                                                                                                                                                 Tổng hợp: Cẩm Tú