CÁC ÔNG LỚN RÚT LUI- SỰ KHỐC LIỆT CỦA THỊ TRƯỜNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ 

Sự rút lui của Adayroi hay Lotte.vn trong cuộc đua cho thấy thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng khốc liệt. Có thể nói, phát triển website TMĐT ở Việt Nam không phải là một cuộc chơi dễ dàng.

Cuộc tháo chạy quy mô lớn

Ngày 18/12, Tập đoàn Vingroup cho biết trang TMĐT Adayroi (tính đến quý III/2019, Adayroi có khoảng 6,4 triệu lượt truy cập website hàng tháng, xếp thứ 9 về lượng truy cập trong tổng số 10 website TMĐT hàng đầu Việt Nam) sẽ sáp nhập vào VinID, đánh dấu việc Vingroup rút hẳn mảng bán lẻ để có thể tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực ưu tiên cốt lõi là công nghiệp -công nghệ, sau khi tiến hành hoán đổi cổ phần hệ thống siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+ cho tập đoàn Masan.

Ngày 25/12, Lotte.vn đã gửi thông báo đến các nhà cung cấp, khách hàng của Lotte.vn cho biết từ ngày 20/1/2020, website TMĐT Lotte.vn sẽ ngừng kinh doanh, phân phối đến khách hàng. Đại diện Lotte Mart cũng xác nhận đơn vị này sẽ tiếp nhận Lotte. vn và sáp nhập vào Speedl.vn – một trang TMĐT thuộc Lotte Mart.


Khoản đầu tư của VNG vào sàn TMĐT Tiki hơn 506,2 tỷ đồng được ghi nhận đã lỗ toàn bộ đến hết tháng 6/2019. 

Trước đó, Robins.vn  thuộc sở hữu của Central Group (Thái Lan) chuyên bán lẻ các sản phẩm từ quần áo, giày dép đến phụ kiện, làm đẹp cũng đã ngừng hoạt động từ đầu năm. Robins.vn ra mắt tháng 5/2017 sau sự hợp nhất với Zalora. Ngoài ra, có thể kể đến việc Thế giới Di động đóng cửa sàn TMĐT Vuivui. com hồi tháng 12/2018. Xa hơn, thị trường cũng chứng kiến sự ra đi của Beyeu.com, Lingo.vn, Foodpanda…

Trước khi dừng hoạt động, Beyeu.com - một dự án của Webtretho được IDG Ventures Việt Nam đầu tư - còn ngậm ngùi để lại lời nhắn: "Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp quyết định sẽ dừng việc đốt tiền. Chúc may mắn cho những người còn lại".

Sân chơi cho các đại gia

Thương mại điện tử tại Việt Nam rất khốc liệt, nếu không có nguồn vốn lớn thì công sức bỏ ra cũng chỉ như "muối bỏ bể". Theo nghiên cứu của iPrice Group, bốn đại gia dẫn đầu hiện nay là Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo, đây cũng là bốn sàn có lượng truy cập hàng tháng cao nhất Việt Nam.

Đây được coi là một “cuộc chơi đốt tiền” của các “đại gia” khi mà biên lợi nhuận thấp và các chi phí liên quan đến bán hàng, logistics, khuyến mãi thu hút người dùng… lại rất lớn. Theo số liệu của một số hãng nghiên cứu thị trường, năm 2018, mức lỗ của Lazada, Shopee, Tiki, Sendo tiếp tục tăng gấp rưỡi lên 5.100 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2016.

Chính thức ra mắt vào tháng 8/2016, Shopee lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, Shopee lỗ hơn 600 tỷ đồng và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3 lên 1.900 tỷ đồng.

Chờ đợi gì năm 2020

Năm 2020, mạng xã hội có khả năng tác động đến mọi giai đoạn trong hành trình mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng. Nổi bật trong số đó là các hoạt động livestream trên Facebook và Youtube khi bốn sàn thương mại điện tử lớn đều giới thiệu các chương trình livestream với sự tham gia của các ngôi sao giải trí hàng đầu.


Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm mới được các sàn thương mại điện tử hướng tới. Điển hình là chiến lược Mua sắm kết hợp giải trí trên ứng dụng di động mang đến những trải nghiệm mua sắm thú vị cho người dùng.


Ông James Dong, Tổng giám đốc của Lazada Việt Nam cho rằng, công nghệ sẽ là chìa khóa để kiểm soát chất lượng hàng hóa tốt hơn. Còn theo CEO Sendo Trần Hải Linh chia sẻ, công ty có kế hoạch sử dụng vốn huy động được để mở rộng nền tảng tích hợp cho cả người bán và khách hàng, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và học máy (machine learning) để nâng cao trải nghiệm của khách hàng.


Kết luận: Thương mại điện tử sẽ là một sân chơi đường dài của các đại gia mà nó đòi hỏi phải có thời gian, sự kiên nhẫn và chấp nhận rủi ro lớn trước khi nghĩ đến kiếm lời từ thị trường này.