LÀ SINH VIÊN, CHỌN EARN THAY LEARN, LIỆU CÓ THỰC DỤNG?

Ngày nay, các bạn sinh viên đang có xu hướng lựa chọn con đường "đi làm thêm" để có nguồn thu nhập (Earn) hơn là tìm kiếm một môi trường có thể hỗ trợ tốt cho ngành học hiện tại (Learn). Với quyết định này, liệu sinh viên có đang trở nên thực dụng và lơ là việc học, ngành học của chính mình? 


Thực trạng chọn Earn thay Learn của sinh viên 

Trên thực tế, trường lớp chỉ có thể cung cấp và giảng dạy cho sinh viên kiến thức còn về kỹ năng hay kinh nghiệm làm việc, buộc các bạn phải tự “bươn trải” qua những hình thức“thực tập” khác nhau như đi làm thêm,  hoạt động trong các tổ chức/câu lạc bộ, hội nhóm...Tuy nhiên, dường như những mục đích học tập đó đang dần bị chuyển hướng sang mục đích kiếm thêm thu nhập cho cá nhân. Vì hiện nay, dễ dàng nhận thấy nhiều bạn sinh viên đang đổ dồn vào con đường tìm việc, chạy “show” hết ca làm này đến ca làm khác...(Earn). Thay vì, ngồi đọc một cuốn sách, tìm hiểu về chuyên ngành hay tham gia các tổ chức/ câu lạc bộ có tính chuyên nghiệp và gần gũi với hoạt động làm việc trong tập đoàn/ công ty hơn (Learn). Do vậy mà nhiều bạn đang bị chỉ trích là sống thực dụng, mê tiền,...Vậy, liệu chọn Earn thay Learn có đúng là thực dụng hay không?

Vậy chọn Earn có phải là thực dụng?

Câu trả lời là không. Bởi lẽ, khi đi làm thêm, ngoài lợi ích có thêm thu nhập, công việc còn đem đến cho sinh viên nhiều cái “được” cần thiết trước khi bước vào môi trường làm việc ở công ty hay tập đoàn. Cái được thứ nhất là sinh viên sẽ được rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức và thực tế, rõ ràng công việc ngoài giờ của sinh viên là một môi trường học tập mà nhà trường không thể dạy trong sách vở. Trong đó, sinh viên có cơ hội mở rộng, cải thiện các kỹ năng mềm như giao tiếp, xử lý tình huống, quản lý thời gian, v.v.v. Cái được thứ hai là được va chạm sớm với cuộc sống để biết chấp nhận những bất công, nhường nhịn người khác hay sống thực tế với chính mình hơn,...Những điều này sẽ giúp cho họ có được sự mạnh mẽ, tự tin và có khả năng thích nghi nhanh với môi trường làm việc mới sau khi tốt nghiệp. Do đó, một công việc làm thêm ngoài lợi ích kinh tế, sinh viên còn có thể đạt được rất nhiều những kinh nghiệm đằng sau nữa. Vậy nên, làm thêm không phải là thực dụng, nó chỉ thực dụng khi bản thân quá tập trung và bất chấp tất cả để kiếm tiền khiến cho học, sức khỏe, các mối quan hệ xung quanh cuộc sống của chính mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà thôi.

Tổ chức, câu lạc bộ sẽ đem lại cho sinh viên những trải nghiệm chuyên nghiệp

Quả thật là như vậy, nhiều tổ chức và câu lạc bộ, hội nhóm được hình thành và hoạt động tuy với quy mô nhỏ và không đem lại lợi nhuận cho thành viên nhưng được tổ chức rất bài bản, chuyên nghiệp như một công ty trên thực tế. Cụ thể, khi tham gia và làm việc cho một tổ chức hay câu lạc bộ, các bạn sẽ học được cách sống trách nhiệm hơn. Bởi lẽ, sự thật là trong các hình thức phi lợi nhuận này, không ai có thể bắt ép và ràng buộc sinh viên làm việc bằng cách đuổi việc hay cắt lương như đi làm thêm. Việc các bạn quyết định hoàn thành công việc được giao hay không là sự uy tín và trách nhiệm mà bản thân thể hiện trong công việc. Thành quả học tập của sinh viên sẽ được thể hiện qua sự thành công của công việc và thông qua sự đánh giá từ những người làm việc chung. Bên cạnh đó, khi vào các tổ chức hay câu lạc bộ, sinh viên sẽ được hướng dẫn, đào tạo miễn phí và được thực hành ngay. Trong đó, những kiến thức, kỹ năng là tài nguyên được chia sẻ lẫn nhau: từ các anh, chị, và các bạn đã học hỏi qua và có kinh nghiệm thực hành. Ví dụ như những kỹ năng excel, words, làm slide, đi mời tài trợ,...mà sinh viên thường được thực hành thông qua hoạt động chung của tổ chức phi lợi nhuận hay trong các câu lạc bộ, sẽ đến một lúc nào đó, đều có khả năng chuyển hóa thành những kỹ năng ăn tiền lúc đi làm. Ngoài ra còn một điểm khác biệt đáng trân trọng trong quãng đời sinh viên khi tham gia các tổ chức, câu lạc bộ, hội nhóm đó là mọi người sẽ dễ dàng tạo dựng những mối quan hệ chân thành, vững chắc và không vụ lợi trong cuộc sống.

Phần kết 

Kết lại, công việc làm thêm của sinh viên không hề thực dụng, nó chỉ biến tướng khi bản thân mỗi người quá coi trọng việc kiếm thêm thu nhập hơn là chú tâm vào cuộc sống trước mắt mình. Những kỹ năng và kinh nghiệm đều hiện diện ở bất kì hình thức công việc nào trong xã hội: đi làm thêm hay làm việc trong tổ chức, câu lạc bộ…Mỗi phương thức làm việc đều có những cơ hội học hỏi khác nhau. Hãy cứ lựa chọn công việc mà các bạn cảm thấy phù hợp với điều kiện của mình, miễn là bản thân cân bằng tốt giữa việc làm và việc học nhé.

Nguồn: Career Building, Langmaster, Viec.co