ZAVI - ỨNG DỤNG HỌP TRỰC TUYẾN CỦA NGƯỜI VIỆT

Chiều 15/5, nền tảng hội nghị trực tuyến đầu tiên do chính đội ngũ kỹ sư Việt Nam phát triển và làm chủ công nghệ - Zavi đã được Bộ Thông tin và truyền thông chính thức ra mắt

Do sự bùng phát của Covid-19, thị trường ứng dụng họp trực tuyến phát triển rất nhanh với những cái tên quen thuộc như Google Meets, Microsoft Teams, Skype,... hay nổi tiếng nhất là Zoom của Eric Yuan. Chỉ riêng Zoom, từ tháng 12-2019 đến cuối tháng 3-2020, nhu cầu sử dụng Zoom trên toàn cầu đã tăng 1.900%. Ứng dụng cũng đã đạt được hơn 2,22 triệu người dùng trong những tháng đầu năm 2020, con số này nhiều hơn tổng số người dùng đã tích lũy trong toàn bộ năm 2019.

Tuy nhiên, trước những lo ngại về vấn đề bảo mật, đặc biệt là đối với Zoom, nhiều nước đã tự phát triển ứng dụng của riêng mình, trong đó có Zavi của Việt Nam. Zavi là nền tảng hội nghị trực tuyến đầu tiên do chính đội ngũ kỹ sư Việt Nam phát triển và làm chủ công nghệ chỉ trong vòng 3 tuần. Ứng dụng có thể hỗ trợ cuộc họp lên đến 100 người trong thời gian liên tục 24 giờ. 

Zavi có đầy đủ các tính năng như quản lý, tạo phòng họp với mật khẩu; mời người tham gia, mời ra khỏi phòng. Các phòng họp được bảo mật bằng mã đăng nhập. Quản trị phòng có thể khóa, quản lý camera/mic. Hiện, ứng dụng này mới có trên máy tính sử dụng Windows và thiết bị iOs. Đặc biệt, đại diện Zavi cho hay đội ngũ phát triển đang nghiên cứu một “trợ lý ảo” để tự động ghi biên bản cuộc họp.

Không chỉ Zavi, trước đó đã có những ứng dụng “Made in Vietnam” khác được ra mắt trong mùa dịch Covid-19. Đó là NCovi của Bộ Y tế nhằm cung cấp thông tin về tình hình bệnh dịch. Hay ứng dụng Bluezone nhằm truy dấu vết của những người có nguy cơ nhiễm Covid. Đó còn là Covid-19 Check để dự đoán nguy cơ nhiễm bệnh cho người sử dụng ứng dụng. Ngoài ra, ATM Gạo cũng là một sáng kiến công nghệ vừa mang tính nhân văn, vừa cho thấy năng lực của con người Việt Nam. 

Những ứng dụng do người Việt, của người Việt đã cho thấy tài năng cùng sự sáng tạo không ngừng cũng như bắt kịp xu thế của đội ngũ startup Việt Nam. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, liệu sau dịch bệnh, trong một bối cảnh bình thường, chúng ta còn có thể ra mắt được nhiều sản phẩm sáng tạo hữu ích như vậy nữa không. Muốn làm được điều đó, các startup lẫn cơ quan chức năng cùng chung tay, giúp đỡ lẫn nhau, cũng như người dân Việt Nam hãy “người Việt dùng hàng Việt”, giúp cho thị trường công nghệ Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh.