NHÂN SỰ ĐỒNG CẢM

NẾU MỘT NGÀY SỰ TẬP TRUNG CỦA NHÂN SỰ CHUYỂN HƯỚNG

Đồng cảm có lẽ là kỹ năng mềm quan trọng nhất không chỉ đối với những nhà lãnh đạo, những người làm nhân sự mà còn là với bất kỳ ai muốn thành công trong công việc và cuộc sống. Không khó để nhận ra, nhân sự ngày nay đang dần có xu hướng tập trung vào con người. Vậy đồng cảm đã và đang có sự tác động và những thay đổi như thế nào đối với ngành nhân sự? Hãy cùng CLB Nhân sự - Khởi nghiệp lý giải và tìm ra những cách quản lý nhân sự thể hiện sự đồng cảm hiệu quả và sâu sắc nhé!

1. Nhân sự đồng cảm là gì?

Xuất phát từ sự thấu cảm - khả năng nhận thức và liên hệ với những suy nghĩ, cảm xúc của người khác, những người có lòng thấu cảm sẽ có thể nắm bắt tình huống từ quan điểm của người khác, cũng như tương tác lại với thái độ cảm thông, thấu hiểu và lòng trắc ẩn. Trong môi trường làm việc, nhân sự đồng cảm thể hiện qua việc cho nhân viên được phép thể hiện đúng cảm xúc cá nhân, đồng cảm với nhau - từ đó nâng cao chất lượng các mối quan hệ và hiệu suất làm việc.


Nhân sự đồng cảm - được thể hiện trước hết bởi những người làm tại phòng nhân sự - đầu mối gắn kết ban lãnh đạo với nhân viên các cấp, tiếp sau đó là những người quản lý - những người trực tiếp giám sát, làm việc với nhân viên, và sau cùng là nhà lãnh đạo - những người vốn ít tiếp xúc với nhân viên nhưng luôn cần có sự đồng cảm để có thể điều hành, duy trì tốt một doanh nghiệp.


Nhân sự đồng cảm ngày nay không còn chỉ áp dụng được đối với những người đã đi làm, mà còn áp dụng với cả các bạn sinh viên khi họ thường xuyên phải làm các bài tập nhóm, các công việc có nhiều người tham gia. Sự đồng cảm còn được đặc biệt chú trọng nếu bạn đang tham gia vào một câu lạc bộ/đội/nhóm hay một tổ chức trong cộng đồng. Điều đáng nói ở đây chính là việc đồng cảm nếu có thể được áp dụng và duy trì ngay từ thời điểm còn trong quá trình học tập và trải nghiệm, sẽ như một hành trang quý báu mà bạn có thể vận dụng về lâu dài, cũng sẽ là một điểm đánh dấu sự khác biệt của bạn, cho thấy bạn vừa là một người có năng lực cũng vừa có kỹ năng mềm được sử dụng một cách hữu hiệu.

2. Nhân sự đồng cảm đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thế nào?

Nếu như trước đây trí tuệ cảm xúc đôi khi không được đặc biệt quan tâm, chú ý. Thì ở hiện tại, các doanh nghiệp, tổ chức dần có sự chuyển giao, bắt kịp thế giới bên ngoài trước hết là ở sự tôn trọng và thấu cảm. Quả thực, kỹ năng đồng cảm như một cách mà nhân sự giao thoa với nhau, để thấu hiểu và sẻ chia, để công việc như có một điểm sáng giữa những áp lực, trách nhiệm nặng nề và cằn cỗi.


Sự đồng cảm ở nơi làm việc có mối liên hệ tích cực đến hiệu quả công việc. Đồng cảm cũng đồng thời là một biểu hiện của sự hiểu biết sâu sắc, không phán xét. Nó giúp xây dựng và duy trì các mối quan hệ tích cực tại nơi làm việc, thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập, khuyến khích hợp tác và cộng tác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý xung đột.


Ta đang ở trong một thời kỳ mà việc nhận thức bản thân, động lực, kỹ năng xã hội và sự đồng cảm là ngang nhau. Sự đồng cảm cũng chính là kỹ năng lãnh đạo có mối liên hệ chặt chẽ và nhất quán với hiệu suất. Ta hiển nhiên không thể phớt lờ trước yếu tố thuộc về trí tuệ cảm xúc này, bởi nó dường như ảnh hưởng không nhỏ đến những định hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Xét về chức năng, nó không phải là một yếu tố thay thế nhưng lại chính là một công cụ hỗ trợ đắc lực hơn bao giờ hết trong việc quản lý nhân sự, củng cố nhân lực.

3. Phát huy kỹ năng mềm đồng cảm một cách hiệu quả - liệu có khó?

Đối với sinh viên hiện nay, câu trả lời là “không” nếu ta dành sự quan tâm, thực sự chú ý đến những người đồng hành bằng cách thực hiện các công việc dưới đây một cách tinh tế và khéo léo. Để thể hiện sự đồng cảm trong quá trình cùng nhau làm việc hay học tập là một công việc không đòi hỏi sự rập khuôn mà ngược lại, người nhóm trưởng hay người lãnh đạo cần có thái độ quan tâm, tỉ mẩn. Chỉ có như vậy, các thành viên mới không cảm thấy bị gò bó hay gượng ép, cũng đồng thời cảm nhận được và đánh giá cao về khả năng lãnh đạo, dẫn dắt của người đứng đầu.. Để đạt được như vậy, đầu tiên, điều mà chúng ta cần làm đó chính là:



Sở dĩ, ta cần phải làm điều này, bởi làm việc quá sức không những chỉ ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ, thể chất của thành viên nhóm mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ làm việc, chất lượng công việc, đặc biệt là tâm trạng khi làm việc.


Bạn có thể kiểm soát, để ý điều này thông qua các khung giờ làm việc của thành viên, rằng họ có đủ thời gian để nghỉ ngơi và ăn uống hay không, năng suất làm việc của họ có phần kém đi do thể trạng không tốt hay không,... Những biểu hiện liên quan đến việc thiếu ngủ, xanh xao do không đủ sức vốn rất dễ phát hiện. Chủ động đưa ra lời thăm hỏi, nhắc nhở, đốc thúc người đó ăn, ngủ, nghỉ phù hợp sẽ giúp cho không chỉ thành viên đó mà còn làm cho tính hiệu quả của bài làm nhóm tăng cao một cách rõ rệt.



Việc một thành viên sẵn sàng bày tỏ, đóng góp hay thậm chí là góp ý cho những vấn đề nội bộ sẽ giúp bạn nắm bắt được nhiều hơn về cách quản lý, phân chia công việc hay tình hình làm việc nhóm của mình. Càng dễ dàng hơn cho cả nhóm trong việc xử lý các vấn đề còn tồn đọng.


Ngoài ra, thái độ thấu hiểu cũng là một điểm đánh dấu sự hài lòng của thành viên nhóm khi lựa chọn đồng hành cùng bạn. Bạn hãy đặt mình là các thành viên trong nhóm đã cảm nhận những vấn đề mà họ đang gặp phải. Từ thấu hiểu hoá thành cảm thông, có thế, bạn mới hạn chế được tối đa những hiểu lầm không đáng có, cũng như có thể hoá thân thành một người bạn sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia với người đồng đội của mình. Thay vì một lời thúc giục có thể chuyển thành một câu cổ vũ, vừa giúp cho người đối diện được thoải mái, vừa dễ dàng hơn cho việc quản lý, lãnh đạo của bạn.. Hãy yên tâm vì điều này sẽ giúp bạn giữ chân nhân lực! Mỗi khi bạn dành nhiều thời gian hơn cho việc lắng nghe, đưa ra những lời giãi bày, những hướng giải quyết, góp phần ổn định cả nhóm, bạn đã và đang tạo nên sợi dây liên kết cho tất cả các thành viên còn lại.

 

Bạn hãy thử chủ động trong việc thăm hỏi, trò chuyện với từng thành viên, trước hết là để tạo sự gần gũi và gắn kết, cũng từ lòng nhiệt thành và sự tin tưởng mà họ trao cho bạn, họ sẽ mạnh dạn để nói ra những ý niệm của mình. Thay vì chỉ cất tiếng nói và tham gia quản lý, chỉ đạo, giờ đây, việc lắng nghe cũng có thể trở thành một trọng trách của bạn. Hãy học cách lắng nghe một cách chăm chú với thái độ lạc quan và tích cực bạn nhé, chắc chắn rằng, bạn sẽ khai thác được rất nhiều điều giúp ích cho công việc của chính mình.



Có thể bạn chưa biết, cảm xúc ảnh hưởng và chi phối không nhỏ đến năng suất và hiệu quả làm việc của mỗi người. Vì thế, hãy để ý những điểm bất thường trong nét mặt, cử chỉ và hành động của những người bạn dù đã làm việc chung từ lâu hay chỉ mới quen, họ rất có thể đang rơi vào tình trạng khó khăn và rất cần sự trợ giúp, cũng có thể họ có một nỗi buồn, nỗi áp lực đang cần phải gánh vác trên vai,...


Nếu như, bạn chú tâm vào việc quan sát và nhận thấy những điều này, họ có thể sẽ bị lay động và cảm kích trước sự quan tâm của bạn và hài lòng với lựa chọn khi làm việc cùng bạn cũng như tin tưởng vào lựa chọn khi đồng ý đề bạt bạn ở vị trí nhóm trưởng.

Kết

Gửi các bạn sinh viên, các bạn đang quan tâm, đang trực tiếp học tập và làm việc liên quan đến mảng nhân sự, hãy dành sự quan tâm cho vấn đề đồng cảm trong môi trường học tập, làm việc của bạn. Hãy dành sự đồng cảm cho những mối quan hệ xung quanh. Có thể ngay bây giờ, bạn khó mà mường tượng ra được, đồng cảm sẽ là kim chỉ nam hữu ích như thế nào cho công việc của bạn. Tuy nhiên, hãy tin rằng, bởi bạn cũng là một người cộng sự, cũng rất mong cầu nhận được sự đồng cảm từ phía đối diện, hiển nhiên, những người cộng sự của bạn cũng thế.

Đồng cảm không đơn thuần chỉ là kỹ năng, nó đôi khi còn là một chìa khóa. Cùng mở khóa thành công bằng cách nắm trong tay chiếc chìa khóa kỹ năng quan trọng này nhé!

Phương Linh