ĐA CẤP VỚI SINH VIÊN: MIẾNG PHO MÁT TO Ở TRÊN BẪY CHUỘT

Với cách thức mời gọi bùi tai như “ Em làm việc này với chị, một tháng kiếm vài chục triệu đến 100 triệu là chuyện bình thường”, hay tự xưng là một tổ chức nào đó và dùng những thành tích ảo, các phương pháp làm giàu “không giống ai” để dụ dỗ, thuyết phục người tham gia. Do đó, nhiều “con mồi” là sinh viên, nhẹ dạ, cả tin rất dễ sụp vào “cái bẫy” mà hình thức kinh doanh Đa cấp đã giăng sẵn. 

Thực trạng của sinh viên khi tham gia vào đa cấp:

Trước tiên, cần phải hiểu đa cấp là gì? Kinh doanh đa cấp thực chất một hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh. Họ sẽ được trả hoa hồng/thu nhập từ kết quả bán hàng của mình. Tuy nhiên,  ở Việt Nam, mô hình kinh doanh này lại biến tướng bởi chính người điều hành đã chi phối và tính toán ngay từ đầu hòng để trục lợi. Bởi vì, đa phần các sản phẩm được kinh doanh dưới mô hình này đều bị lợi dụng chất lượng, thổi phồng công dụng thực tế và được bán dưới dạng những sản phẩm ảo.

Dẫu biết những lời mời gọi này là quen thuộc và được chia sẻ lại từ nhiều người, thậm chí được báo đài đưa tin, nhưng vẫn có không ít những sinh viên “tự nguyện” sập bẫy và phục vụ cho loại hình kinh doanh này. Thực trạng đáng buồn là nhiều bạn sinh viên khi tham gia vào đa cấp thì mải mê kiếm tiền, bỏ bê việc học, hay nói dối với cha mẹ và vay cả trăm triệu đồng để “đầu tư” vào hình thức “rửa tiền” đen, lôi kéo, dụ dỗ bạn bè cùng tham gia.

Lý do sinh viên dễ “sa chân” vào đa cấp:

Nguyên nhân có thể là do đa cấp luôn biết cách dùng những lời lẽ ngon ngọt và đa dạng các mánh khóe để lôi cuốn bất kì “con mồi” nào có nhu cầu tìm việc làm để kiếm thêm thu nhập,...Do vậy, các bạn sinh viên muốn có tiền để trang trải và phụ giúp gia đình rất dễ trở thành đối tượng mà đa cấp nhắm tới.

Hậu quả khi dấn thân vào đa cấp:

Gần đây, báo đài đã ghi nhận nhiều vụ mất tích, mất liên lạc với người thân trong nhiều ngày liền của một số bạn trẻ vì “bận” dốc sức làm việc cho đa cấp. Không những vậy, có một hậu quả phổ biến khác là nhiều sinh viên đi được nửa chặng đường với đa cấp     khi nhận ra mình bị lừa nhưng vẫn tiếp tục lao thân và quay ngược lại lừa bạn bè, người thân. Điều này làm cho mọi người xung quanh dần mất niềm tin vào chính các bạn -  tạo ra những mối quan hệ đầy tổn thương khiến họ không thoát ra được, càng ngày càng lún sâu.

Quả thật, bản chất của mô hình đa cấp là không xấu, chỉ có những biến tướng của nó mới gây ra các mối lo ngại nghiêm trọng. Vậy nên, hãy luôn tỉnh táo và cẩn thận với những lời mời gọi ngọt ngào từ đa cấp. Bởi vì một công việc kiếm tiền dễ dàng nghiễm nhiên đi kèm những rủi ro đằng sau nó, phải luôn cẩn thận, xem xét trước công ty và công việc làm thêm có đủ uy tín, an toàn, lành mạnh dành cho mình hay không nhé.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ