QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN - KỸ NĂNG CẤP THIẾT CHO SINH VIÊN

Tiền nhà không đủ, chi tiêu cá nhân phải tằn tiện,...  là những câu cảm thán quen thuộc của sinh viên vào cuối mỗi tháng. Đó là hậu quả của việc chi tiêu không kiểm soát, thiếu kỹ năng quản lý tài chính. Trong bối cảnh giá cả ngày càng đắt đỏ hiện nay, quản lý tài chính cá nhân là kỹ năng cần thiết mà sinh viên phải trang bị. 

Quản lý tài chính cá nhân là công việc mà hầu hết mọi công dân hiện đại nên trang bị cho bản thân. Đối với sinh viên, việc xây dựng cho mình thói quen chi tiêu, tiết kiệm hợp lý là cần thiết để duy trì cuộc sống vừa học vừa làm. 

Tại sao phải quản lý tài chính?

Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển, sinh viên sẽ đối diện với nguy cơ tiêu tiền thiếu kiểm soát, đặc biệt là chi tiêu đối với các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày. Những món ăn như trà sữa, gà rán hay những bộ quần áo, son phấn sẽ dễ cuốn sinh viên chi tiêu sa đà. Ngoài ra, kỹ năng quản lý tài chính quan trọng với cá nhân nhưng cũng quan trọng với xã hội. Khi mọi người tiêu tiền hiệu quả hơn, các doanh nghiệp có thể phát triển và đạt nhiều lợi nhuận. Thứ hai, rèn luyện kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cũng là một cách áp dụng những lý thuyết trên giảng đường, đặc biệt là với sinh viên kinh tế, vào thực tiễn. Một lý do quan trọng khác đó là đến một giai đoạn nhất định, chúng ta sẽ phải độc lập về tài chính. Vì thế, hình thành, tập luyện kỹ năng quản lý tài chính từ thời sinh viên là cần thiết.

Các mẹo khi quản lý tài chính

Sinh viên nên lập một kế hoạch bao gồm thu nhập và chi tiêu cụ thể, liệt kê cụ thể những khoản chi như tiền thuê nhà, tiền ăn uống, tiền học,... Khi các chi phí, thu nhập trở nên rõ ràng, bạn có thể cân bằng, điều chỉnh các khoản thu/chi hiệu quả, nhanh hơn khi có tình huống đột xuất cũng như đưa ra quyết định chi tiền hợp lý hơn, không chi tiêu một cách “tùy hứng”.


Sẽ là sai lầm nếu các bạn sinh viên nghĩ rằng tiền chi cho ăn uống với bạn bè cũng giống như khoản tiền đóng tiền học, hay tiền cho mua sắm cũng như tiền xăng xe, tiền điện. Liệt kê các khoản cần thiết phải ưu tiên chi tiêu trước (tiền thuê nhà, học phí, xăng xe, tiền ăn mỗi ngày,…) sau đó mới đến các khoản phụ có thể xê dịch (mua sắm, vui chơi,…). Nếu biết cách sắp xếp khoa học việc chi tiêu thì chắc chắn bạn sẽ rút ra được ưu điểm của phương pháp này để củng cố cho kế hoạch quản lý tài chính.

Sau khi sắp xếp các khoản cần chi tiêu theo mức độ cần thiết, tiếp đó bạn hãy thử lập danh sách tính toán sự cân đối trong tài chính. Hiểu đơn giản là chiếc bảng kê khai lại, tổng hợp lại những gì cần chi trong giới hạn ngân sách hiện có của bạn. Hãy đảm bảo chi ti luôn thấp hơn số tiền bạn thu vào.


Hãy lập một quỹ tiết kiệm, mỗi tháng dành ra một khoản cho tiết kiệm. Đây sẽ là khoản tiền dự trữ cho những việc phát sinh trong tương lai, cho những mục tiêu dài hạn của bạn. 


Bạn hãy chia các mục tiêu dài hạn của bạn thành nhiều mục tiêu ngắn hạn và mẹo này sẽ giúp bạn không bị quá tải. Vì các mục tiêu dài hạn như mua nhà hoặc bắt đầu kinh doanh có thể sẽ mất nhiều năm để đạt được nên sớm tiết kiệm sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian và tiến gần hơn đến thành công. 

Những điều quan trọng cần lưu ý

Những vấn đề về sau nếu không quản lý tài chính 

Có nhiều người muốn tiết kiệm nhưng không hiểu rõ đâu là số tiền tiết kiệm cần thiết đủ để thực hiện các mục tiêu tài chính cụ thể của họ. Rõ ràng, những người chỉ tiết kiệm hưu trí sẽ để dành theo kiểu khác với người tiết kiệm để mua nhà. Điều quan trọng là phải kiên trì thực hiện tiết kiệm. Tốt nhất là để dành từ 20% thu nhập trở lên cho khoản tiết kiệm.


Bạn cần trả tiền nhà nhưng không đủ tiền, bạn vừa đóng tiền học thì không còn tiền tiêu mà không hiểu vì sao. Việc chi tiêu không kiểm soát, không biết đã chi tiêu những gì sẽ luôn khiến bạn chi tiêu quá tay, dẫn đến việc thiếu hụt tiền bạc về sau. Việc lập kế hoạch chi tiêu ngay lập tức là điều quan trọng để quản lý tài chính, tránh tình trạng hụt trước thiếu sau.


Quỹ tiết kiệm khẩn cấp hay bảo hiểm sẽ là cách để bạn ứng phó với những việc đột xuất trong tương lai. Khi bị tai nạn hay mắc bệnh nặng, sẽ rất khó để bạn xoay sở tiền kịp lúc, việc có bảo hiểm sẽ giúp bạn chi trả những khoản này nhanh hơn và không phải lo nghĩ về vấn đề tiền bạc.

Sự phát triển kinh tế của Việt Nam đang đặt ra thách thức về kỹ năng tài chính của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Ở nhiều nước trên thế giới, việc quản lý tài chính cá nhân luôn được đề cao và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trên đây là những mẹo hữu ích giúp các bạn sinh viên đạt hiệu quả tốt trong quá trình thực hiện quản lý tài chính cá nhân, CLB Nhân sự - Khởi nghiệp hy vọng các bạn sẽ tìm ra được công thức quản lý phù hợp với bản thân để có một cuộc sống thông minh – năng động.

Nguồn: Business Insider, Tuổi Trẻ, Dân trí