SỰ BỨT PHÁ NỔI BẬT CỦA NGÀNH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VIỆT NAM NĂM 2019

Nắm giữ lợi thế là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, Việt Nam hiện đang mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đã và đang có ý định đầu tư vào thị trường tiềm năng này, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử. Theo đó báo cáo chỉ số năm 2019 chỉ ra thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30%.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2019, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đã chính thức công bố Báo cáo Chỉ số Thương Mại Điện Tử 2019.

CHỈ SỐ CHO THẤY VIỆT NAM ĐANG LÀ MỘT THỊ TRƯỜNG RỘNG LỚN

Nhận định về tốc độ tăng trưởng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cho biết : Việt Nam đang là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 25-30%/năm, theo đó gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Điều này đồng thời cũng dẫn đến hệ quả tất yếu là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Còn về quy mô tăng trưởng của ngành, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) chỉ ra: Nếu như năm 2015 quy mô thị trường chỉ khoảng 4 tỷ USD thì đến năm 2018 con số này đã cao gần gấp đôi, lên mức 7,8 tỷ USD. Và đến năm 2020 với quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện tại sẽ có thể tăng trưởng lên đến 13 tỷ USD.

Hiệp hội Vecom cũng cho biết thêm về các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh bao gồm:  bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán lẻ trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số khác.

Ngoài ra, bên cạnh báo cáo chỉ số của Vecom, một số liệu khác từ báo cáo E-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek cũng nhận định đầy khả quan về quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam với năm 2018 là 9 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình năm CAGR giai đoạn 2015-2018 là 25% và thị trường sẽ có thể đạt quy mô 33 tỷ USD vào năm 2025. Nếu dự đoán này thật sự xảy ra, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 sẽ đứng thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).

Khi nhắc đến thị trường, không thể bỏ qua yếu tố chính đóng góp vào sự tăng trưởng - khách hàng. Hiện nay, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ với 35,4 triệu người dùng, tạo ra doanh thu hơn 2,7 tỷ USD vào năm 2019. Tuy  tốc độ phổ cập điện thoại thông minh thấp có thấp hơn so với các nước khác, nhưng với 35 triệu người dùng đang sở hữu ít nhất một thiết bị, con số đó dự kiến sẽ tăng lên 40 triệu vào năm 2021. Đối với các doanh nghiệp tập trung vào thương mại điện tử thì điều này có nghĩa bây giờ là thời điểm tốt để phát triển và tìm kiếm một chỗ đứng vững chắc tại một thị trường màu mỡ như Việt Nam.

ĐỒNG THỜI CŨNG PHẢN ÁNH MỨC ĐỘ KHỐC LIỆT CỦA ĐƯỜNG ĐUA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI VIỆT NAM

Nhắc đến thương mại điện tử, không thể bỏ qua mảng hoạt động có mối quan hệ chặt chẻ là dịch vụ giao hàng. Theo đó, trong năm 2018 – 2019, dịch vụ giao hàng đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng. Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử, trên phạm vi cả nước : Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát được 61% các đơn vị bán hàng trực tuyến, tiếp đó là Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), EMS, Giao hàng nhanh và Giao hàng tiết kiệm. Các đơn vị chuyển phát khác chỉ chiếm 13%. Có thể thấy thị trường giao hàng đang nhộn nhịp hơn bao giờ hết bởi nhu cầu mua bán tăng vọt của người tiêu dùng thông qua các trang thương mại điện tử trực tuyến.

Chính sự bùng nổ của giới bán lẻ trực tuyến trong năm 2018-2019 đã và đang góp phần tạo nên thói quen mua sắm thương mại điện tử tại Việt Nam. Không những vậy, có một số các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước được lọt vào trong top 10 nền tảng kinh doanh trực tuyến hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, Tiki, Sendo, Thế giới di động đang cạnh tranh và trong một số thời điểm vượt trội so với Lazada Việt Nam, Alibaba Việt nam, Shopee Việt Nam, và JD.com Việt Nam, vốn đều là những thị trường buôn bán trực tuyến có quy mô lớn hơn nhiều với phạm vi hoạt động bao trùm toàn bộ Đông Nam Á. Ngoài ra, cả Tiki và Sendo gần đây đều đã nhận được một khoản đầu tư tiền mặt từ các nhà đầu tư bên ngoài, báo hiệu một kế hoạch mở rộng thị trường mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Lời kết

Tuy quy mô thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ so với những gã khổng lồ trong khu vực châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng thị trường Việt Nam đang dần có những tín hiệu lạc quan bởi sự phát triển mạnh mẽ và đáng kinh ngạc trong những năm gần đây. Do đó, trong hiện tại và tương lai, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam thực sự là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể khai thác và mở rộng đầu tư.