Cuộc sống là muôn vàn sự đánh đổi. Sự lựa chọn nào cũng phải đánh đổi để đạt được một giá trị nhất định. Để được bước chân ra ngoài hít thở không khí Sài Gòn ban mai, chúng ta phải dậy sớm hơn. Để được diện một bộ quần áo sang trọng, chúng ta phải đánh đổi những bữa ăn ngon. 


Đam mê và hiện thực cuộc sống luôn là hai điều khiến chúng ta mâu thuẫn. "Làm thế nào để cân bằng giữa sở thích và sở trường?" là câu hỏi mà mỗi người trẻ khi bước những bước chân đầu tiên trên hành trình của mình đều phải đắn đo suy nghĩ.


Nhưng tại sao chúng ta không nghĩ đến việc dung hòa cả sở trường và đam mê? Khởi nghiệp từ đam mê chính là một trong những cách dung hòa hai điều đó và đang dần trở thành xu hướng của các startup trẻ. Để làm được như vậy, hãy tìm hiểu Ikigai của bản thân - một triết lý sống nhân văn của người Nhật để xác định mục tiêu tương lai nhé!

Có 4 yếu tố để tạo nên Ikigai của mỗi người bao gồm:

- Sở thích: những lĩnh vực bạn đam mê.

- Sở trường: thế mạnh của bản thân so với nhiều người khác.

- Công cụ kiếm ra tiền: trình độ chuyên môn và kỹ năng mềm bạn cần phải rèn luyện. 

- Nguồn thị trường cần: tùy vào mỗi giai đoạn thì thị trường sẽ cần từng loại nhân lực khác nhau.


Hành trình tìm kiếm Ikigai của bản thân luôn đầy gian nan và thách thức! Đó là con đường đòi hỏi sự nhẫn nại cũng như sự kiên cường không ngừng để đạt được mục tiêu mà mình đề ra.


Nếu bạn vẫn còn đang cảm thấy mông lung vô định thì hãy theo chân HR - Startup trò chuyện cùng hai founders đến từ Tipsy Art và Trên Boong Concept, qua đó biết được anh chị đã làm như thế nào để tìm kiếm và tạo dựng mô hình kinh doanh dựa trên đam mê riêng của bản thân nhé! Chắc chắn bạn sẽ có thêm những kiến thức bổ ích để có cái nhìn tổng quát trong việc tìm kiếm Ikigai của bản thân đấy.

Cuộc sống hiện nay ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện, đi đôi với điều đó mọi người luôn mang những áp lực phải học hỏi từng ngày, trau dồi kiến thức để không bị tuột lại phía sau. Áp lực phát triển, cơm áo gạo tiền chồng chất vì thế cần lắm những nơi giúp ta có thể sống chậm lại, cảm nhận thế giới và cảm nhận chính bản thân mình. Nhận thức được tại Việt Nam chưa có nhiều các hình thức, những nơi để mọi người giải tỏa căng thẳng, được cùng nhau ngồi lại thực hiện một điều gì đó, cùng chia sẻ với nhau và từ đó Tipsy Art đã ra đời.


Được thành lập vào năm 2015 với 2 founders là chị Bùi Thu Ngân và chị Nguyễn Thu Trang, Tipsy Art là workshop vẽ tranh thư giãn và thưởng thức đồ uống đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, là nơi để bạn giao lưu, vẽ và nghe nhạc với mọi người. Tipsy Art đã tiên phong trong việc ứng dụng mô hình Co-working Space kết hợp với thưởng thức đồ uống, âm nhạc vào Việt Nam. Vậy, làm sao để họ có thể thành công với một hình thức khởi nghiệp rất mới lạ này? Nguồn cảm hứng khởi nghiệp bắt nguồn từ đâu? 


Sau đây, chúng ta hãy cùng CLB Nhân sự - Khởi nghiệp nghe những chia sẻ hết sức quý báu đến từ co-founder Tipsy Art - chị Bùi Thu Ngân để hiểu hơn về cách thức hoạt động cũng như nguồn cảm hứng, cách quản trị để tạo nên một mô hình thành công rực rỡ này nhé!

Untitled design (5).mp4

Nguồn gốc để chị thành lập Tipsy Art rất đơn giản là xuất phát từ nhu cầu bản thân chị.  Chị có một bạn co-founder nữa tên là Trang, Trang học ở nước ngoài về và hai chị em có dịp ngồi nói chuyện với nhau ở một không gian cực kỳ thi vị giữa lòng phố cổ với những bản acoustic nhẹ nhàng. Vì vậy, tụi chị đã ngồi đấy và nói chuyện với nhau. Sau đó tụi chị phát hiện ra ở Việt Nam có rất ít chỗ người ta có thể dành thời gian bên nhau và cùng thưởng thức nghệ thuật như vậy. 

Và trong không gian đầy tính nghệ thuật như thế thì tụi chị nghĩ tụi chị cần một nơi thế này, trước hết là cho bản thân chị, cho gia đình và bạn bè,… Chị nghĩ bởi vì đó là nhu cầu tự thân của mình thế nên cũng là nhu cầu của nhiều người khác nữa. Chị cảm thấy việc gì mà mình làm và xuất phát từ nhu cầu có thật thì bao giờ cũng sẽ được hưởng ứng.

Ở nước ngoài thường có những buổi mà mọi người tập hợp lại và cùng nhau làm việc chẳng hạn như làm bánh, học thanh nhạc,... Điều đó rất khác với nước mình - mọi người sẽ chọn ra quán cà phê, xem phim, shopping, không có một chương trình dành nhiều thời gian để nuôi dưỡng tâm hồn. Ở nước ngoài thì người ta rất chú trọng việc đấy, tụi chị đã từng gặp những mô hình này ở nước ngoài, chị nghĩ điều đó có thể áp dụng ở Việt Nam tuy nhiên phải thay đổi nhiều thứ.


Cả chị và bạn co-founder đều là những người có đam mê với nghệ thuật mặc dù tụi chị không học các ngành liên quan. Ở nước ngoài có những lớp có thể học mặc dù không thuộc ngành của mình ví dụ như quay phim, năng khiếu,... tụi chị rất hứng thú tham gia vào những lớp như thế. Chị luôn cảm thấy nghệ thuật có điều gì đấy rất thú vị và gợi cho chị sự tò mò. Và khi đi theo sự tò mò đấy, chị phát hiện ra nhiều thứ về bản thân và cuộc sống xung quanh hơn.

Về cách khởi nghiệp với đam mê thì thực ra không có một đáp án chung cho tất cả mọi người. Và may mắn thay, tụi chị nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Bởi vì mọi người coi đó là một nhu cầu thiết thực. Chị đã đánh đúng vào cái mà mọi người cần nên đã nhận được sự hưởng ứng không hề nhỏ từ hoạt động này.

Còn khó khăn mà tụi chị gặp khi khởi nghiệp thì chị nghĩ startup nào cũng có khó khăn. Ví dụ như ở bên chị khó khăn thời điểm đầu là làm thế nào để quản trị, cân bằng được công việc startup và công việc chính. Thời gian đầu thì bên chị chưa fulltime cho studio này hay là Tipsy Art, nên tụi chị phải cân bằng giữa hai việc đấy. 

Sau khi quyết định làm fulltime cho Tipsy Art rồi thì có những khó khăn ví dụ như chị phải tạo ra một bộ máy để chạy nhân sự, kế toán, marketing, tụi chị phải xây dựng nó lên. Hoặc là một khó khăn mà luôn luôn diễn ra trong startup là tìm được khách hàng của mình, đó luôn luôn là một khó khăn lớn, kể cả với chị. Kể cả khi mà người ta ủng hộ chị thì làm thế nào mà chị tìm được đúng đối tượng quan tâm đến mình thì đó cũng là một khó khăn


Đối với các bạn trẻ khởi nghiệp, chị nghĩ nên chú ý đến mô hình. Ngay từ đầu mô hình ở bên chị đã là Lean Startup - Khởi nghiệp tinh gọn. Tức là khi không tốn quá nhiều vốn thì nó sẽ bớt được gánh nặng để các em có thể tập trung vào sản phẩm hơn. Thứ hai là sản phẩm của mình bao giờ cũng là cái quan trọng nhất, phải luôn luôn tìm cách cải tiến để từng bước hoàn thiện sản phẩm. 

Chị vẫn nghĩ cái khó khăn nhất là về con người. Những bạn ở bên chị đã gắn bó rất lâu với Tipsy Art. Chị nghĩ cái để các bạn ấy làm rất lâu ở đây là các bạn ấy nhìn ra được giá trị mà Tipsy Art mang đến cho khách hàng là gì. Ngoài ra mức lương cũng rất quan trọng, chị quan niệm là mình phải lo được ổn định đời sống cá nhân của các bạn ấy thì họ sẽ dành toàn tâm toàn sức ở đây. 


Lúc tụi chị mới mở thì chị phải tìm các bạn họa sĩ. Đấy là khoảng thời gian khó khăn vì mình phải làm thế nào cho người ta tin điều này là cần thiết và sẽ có lợi cho người tham gia. Ban đầu, chị gặp rào cản bởi định kiến là các bạn trong giới nghệ thuật sẽ suy nghĩ rất nhiều về việc mà mình vẽ lại tranh như vậy thì sẽ như thế nào. Và điều thứ hai là ý tưởng quá mới mẻ, chưa có ai sẽ nghĩ đến việc bản thân đi ra ngoài để vẽ tranh nghệ thuật, mình phải thuyết phục như thế nào để người ta tin mình.

Ban đầu chị cũng có ý định là tụi chị chỉ tập trung vào một thị trường nhỏ - những bạn thực sự yêu thích hội họa. Thế nhưng sau đấy tụi chị phát hiện ra điều quan trọng mà Tipsy Art đem đến cho người tham gia là mở ra cho người ta một suy nghĩ là người ta có thể làm được một việc gì đấy, thay vì chỉ suy nghĩ là mình không vẽ được đâu, nhưng thực ra là mình vẫn có thể nếu nhận được sự hướng dẫn. Và thứ mà chị đem đến là mindset chứ không phải là hội họa. 

Chị nghĩ đó là mindset mà mọi người cần ở thời điểm này, rằng việc mình không làm được chỉ có ở trong đầu thôi, nó không có thật, điều mình làm là thật, điều mình vẽ tranh là thật. Chị muốn nó được lan tỏa và tiếp cận thêm nhiều người nữa. Tụi chị không tập trung nhiều quá vào giáo dục mà tụi chị hướng đến giải trí - điều đó sẽ giúp tiếp cận được nhiều đối tượng hơn.


Lợi thế của tụi chị là xuất hiện vào thời điểm đầu tiên, những gì xuất phát đầu thì luôn để lại dấu ấn cho người tham gia. Thứ hai là cơ may được tham gia vào Shark Tank, điều đó đã làm cho nhiều người biết đến và có ấn tượng tốt về Tipsy Art. Điều quan trọng thứ ba là con người, nhờ có các bạn mà Tipsy Art đã có vị trí nhất định như ngày hôm nay. Tụi chị may mắn tìm được những người phù hợp với công việc và truyền được cảm hứng cho những người khách tham gia.

Chị chưa bao giờ nghĩ đến việc quay lại quá khứ, tụi chị thường nghĩ là mình làm gì được tiếp, mình làm gì để cho nó tốt hơn. Tụi chị thường đi từng bước nhỏ, chị hay suy nghĩ là hôm nay mình đã cải thiện được gì ở studio, đã mang lại thêm những giá trị gì cho các bạn nhân viên của chị.


Chị cảm thấy vô cùng biết ơn, lúc nào chị cũng có cảm giác biết ơn. Ở tại thời điểm này chị rất vui với thành quả mà Tipsy Art đã làm được. Tuy nhiên chị vẫn có thể làm tốt hơn. Chị sẽ không cảm thấy như thế là ổn rồi và dậm chân tại chỗ. Hơn bất cứ ai, tụi chị vẫn luôn muốn thử và cho ra đời những hoạt động mà mọi người thật sự cần hay dành sự quan tâm. 

Trên Boong Concept - một quán coffee-pub liên quan đến các nhân vật hải tặc và câu chuyện có thật, liên quan đến những nhân vật trong cướp biển vùng Caribbean hay trong One Piece. Dù đi một mình, đi cùng người yêu hay đi cùng nhóm bạn thì đến với Trên Boong Concept bạn sẽ luôn tìm được chốn bình yên bởi sự gần gũi và thân thiện của không gian mà nơi này mang đến.

trb.mp4

Chị là Uyên Bùi. Chị và bạn đồng sáng lập (một người fan One Piece, một người fan Cướp biển vùng Caribbean) tin rằng như những tên hải tặc: mỗi người trên cuộc đời này, sâu thẳm đều tồn tại một Kho báu, hay là sự ví von về Mục đích sống/ Ước mơ của chính mình. Tuy nhiên, cũng như cốt lõi khiến tụi chị say mê thứ tinh thần hải tặc, đôi khi, vẻ đẹp của hành trình khai phá kho báu không hẳn là đích đến, mà còn nằm ở đồng đội và sự tự do tự tại xuyên suốt. Xuất phát từ niềm đam mê rất cá nhân ấy, cùng tham vọng lập một trạm dừng bé tí vui vẻ của chuyến đại hải trình đến cùng ước mơ, tụi chị đã quyết định “chơi lớn”, tạo ra chiếc tàu hải tặc đầu tiên trên đất liền.


Có thể nói, Boong là kết quả của luật vũ trụ, khi kết hợp sự nghiêm túc để hoàn thành một giấc mơ có phần viễn vông, các dự định táo bạo và ý chí tuổi trẻ. Kể từ sau vài ngày ra ý tưởng cuối tháng 2 năm nay, cùng với băng đảng của mình, tụi chị chạy tất cả mọi thứ từ concept đến thiết kế, lên ý tưởng sáng tạo, gặp gỡ nghệ sĩ, sưu tầm để tích hợp triển lãm đúng nghĩa rồi tìm địa điểm, tất cả mọi thứ luôn. Rồi từ ý tưởng về một tụ điểm cafe vỉa hè nho nhỏ, cứ thể, Boong đã thành một không gian đủ sắc màu nghệ thuật, sáng tạo, tự do mang phong cách tàu hải tặc. Ngày 29 tháng 5 năm 2022 là ngày Boong chính thức chào đời, đôi khi thấy mình thật “điên rồ” vì chỉ  gần 2 tháng để tụi chị làm mọi thứ.

Bên cạnh sự thoải mái, có rất nhiều câu trả lời, nhưng chắc tóm gọn đến từ sự riêng biệt và đam mê được sẻ chia. Riêng biệt nằm ở concept của con tàu chung, nơi bước lên Boong bạn sẽ có cảm giác thoát ra khỏi thực tại quen thuộc của guồng quay bên ngoài. Thứ 2 là sự giống nhau về đam mê dẫn dắt những người cùng tần số tinh thần với băng đảng Trên Boong tìm đến với nhau. Từ lúc bắt tay làm quán đến khi bắt đầu đón bạn bè đến chơi (chị thích gọi khách hàng là bạn bè hơn để cởi mở tối đa với mọi người), cùng nhau, các bạn tự nhiên kết nối tại Boong, tiếp tục vun đắp những cộng đồng nhỏ chơi rất chất, hết mình với đam mê như hải tặc. 

Để góp một phần với tư cách “chủ nhà”, tụi chị cũng đang xây dựng các sự kiện liên tục để kết nối cộng đồng như chủ đề về âm nhạc, điện ảnh,... để bạn đến chơi Boong dễ tìm thấy nhau hơn. Cuối tuần thường cùng với các băng đảng bạn bè, tụi chị hay cho ra mắt các offline như offline hội mô hình, offline pokemon, offline kiến thức khủng long… 

Với là “tân binh” trong lĩnh vực này, feedback là điều kiện cần để giúp mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Do đó, tụi chị luôn cố gắng sâu sát để lắng nghe feedback để rồi từ đó cải thiện hơn khâu đấy. Trong tương lai, hiện tụi chị đang ấp ủ mở thêm nhiều triển lãm mới, các workshop cho trẻ em, tạo ra nhiều hoạt động kết nối cho những bạn đam mê hải tặc và đam mê anime (một tệp khách hàng tụi chị nhận ra sau khi mở quán).

Chị vẫn nhất quán về một mô hình phức hợp coffee - pub và triển lãm liên quan đến tàu hải tặc. Tuy nhiên, chất liệu mới chắc chắn sẽ có, như “luồng gió mới” để tạo ra cảm giác mỗi lần ra khơi tại Boong cũng thú vị như những chuyến phiêu lưu trên biển. Về cơ bản, cốt không gian chung sẽ tương đối đồng nhất vào ngày thường, và đổi màu tùy theo những hoạt động đính vào. 

Thật ra đến hiện tại tụi chị không dám gọi là tụi chị thành công, chính xác là quán đang được đón nhận và yêu thương. Nhưng mà nói muốn hay không muốn mở thêm nữa thì tất nhiên là muốn rồi. Concept kết hợp giữa ẩm thực và triển lãm là điều tụi chị sẽ tiếp tục theo đuổi, nhưng mong muốn có cơ hội để hướng về văn hóa Việt Nam. Và chị nghĩ không cần một Trên Boong Concept thứ hai nữa vì mỗi cái là một cái nguyên bản duy nhất. 


Có thể format mô hình tổ hợp sẽ tiếp tục, nhưng concept chắc chắn sẽ thay đổi concept, liên quan đến truyền thống và văn hóa đất Việt nhiều hơn. Mong là sẽ có một nơi để các bạn trẻ hiểu về văn hóa, các trò chơi dân gian, các món ăn rất đỗi Việt Nam. Dù sao tụi chị cũng là “chân ướt chân ráo” mới bước vào nghề, phải học cách vận hành và làm sao để mình duy trì các hoạt động và để mọi người hiểu được tinh thần mà tụi chị muốn truyền tải. Đến lúc đó chị sẽ đủ tự tin để giao đứa con này lại để “sinh” một em bé khác, có giá trị cho cộng đồng. 

Hiện nay thì tụi chị có 12 thành viên. Sự khác biệt của Boong và các công ty lớn chính là một bộ máy chỉn chu vận hành, và giám sát bởi quy tắc, KPI; còn với startup như Boong thì sẽ cần tạo ra một luật riêng cho mình. Bám sát tinh thần đồng đội trong giới hải tặc, tụi chị không muốn tạo sự phân tầng xa cách giữa cấp quản lý và cấp nhân viên, bài toán khó cần được giải là làm sao để kết nối những cái riêng thành cái chung, làm sao để từ những cá thể độc lập các bạn có thể teamwork với nhau để lèo lái con tàu đi dài lâu? Điều này sẽ được giải quyết thông qua thứ nhất điều luật hải tặc của Boong với sự cân bằng giữa tính kỉ luật và tính thoải mái như gia đình. Thứ 2 là tin tưởng để giao quyền. Chúng ta sẽ không ngừng muốn nhiều hơn, một startup cũng không thể mãi ở một quy mô. Vì thế cần build một dreamteam ở đó các bạn có tính tự giác, chủ động và khả năng giải quyết công việc. Và để đi nhanh hơn cũng như cho bản thân không gian suy tính nhiều việc khác, tin tưởng giao quyền, không cầm tay chỉ việc là điều cần thiết. Thời gian là quan tòa công minh để thanh lọc tự nhiên các cá nhân không cùng màu sắc, cùng đồng điệu. tụi chị muốn muốn một môi trường thật sự “kỷ luật trong sự thoải mái”, đây có thể là khác biệt với một số nơi.


Bên cạnh đó, các hoạt động review, xử lý lại các điểm cồng kềnh của bộ máy, cùng các hoạt động kết nối sẽ giúp mọi người gắn kết. 

Trước khi về chung một nhà, tụi chị đã trò chuyện để hiểu quan điểm, các dự định tương lai cho những người đồng hành cùng Boong lâu dài. Bên cạnh đó, tụi chị cũng chủ động chia sẻ với nhau những cái khó khăn, dự định tương lai thì việc đó giúp các bạn thấu hiểu được tình trạng hiện tại của quán. Chị nghĩ việc tương tác hai chiều đã tạo được sự gắn kết thay vì áp dụng những quy định mang tính “thiết quân luật”. Từ đó, các bạn sẽ cảm nhận được sự dây kết nối tinh thần không thể thiếu giữa mọi người. 


Tụi chị luôn chào đón “cái tôi” của từng cá nhân, sẵn sàng lắng nghe vấn đề về cuộc sống, tinh thần thay vì chỉ những chủ đề xoay quanh công việc. Từng cái nhỏ ấy giúp mọi người gắn kết với nhau như anh chị em nhiều hơn. Chị luôn cảm thấy may mắn vì tìm được các bạn ở đây. Mỗi người đều như mảnh ghép không thể thiếu để tạo nên một Trên Boong Concept như ngày hôm nay. 

Các bản dự trù ngân sách, theo dõi thu - chi chi tiết rất quan trọng để quản lý và cân đối dòng tiền. Tuy nhiên, trên thực tế, chi phí bị phát sinh luôn tồn tại. So với kế hoạch ban đầu, quán bị phát sinh đến độ gấp 5 - 6 lần. Do đó, việc không ngừng theo sát để tối ưu, tìm kiếm các đối tác cung cấp với mức giá tốt hơn, cắt bỏ các chi phí thừa khi vận hành, tầm sư học đạo các chuyên gia tài chính và nguồn đầu tư mới sẽ là chìa khóa trong vấn đề quản lý tài chính. 


Đối với việc tiết kiệm, đây chắc chắn là yếu tố không thể bỏ qua. Đặc biệt, như cái thú của việc mua sắm, các quán concept rất nhiều chi tiết nhỏ cần chăm chút để bật lên được hiệu quả tổng thể dẫn đến dễ bị mua sắm quá tay, hoặc mua để thử nghiệm. Chọn lọc thứ cần mua, thật sự có giá trị là bài học chị rút ra để tránh lãng phí, tiết kiệm. 

Chị vẫn dùng từ “liều” với từ “điên” để biểu hiện cho tốc độ và sự hết mình vì đam mê. Đôi lúc mình phải biết hy sinh để liều và điên với đam mê, đồng thời phải gắng tận lực vì kho báu mong muốn. Ngoài ra, khi làm một điều gì đó, mình hãy làm thật tử tế và nghiêm túc. Như luật vũ trụ, khi mình muốn và cố đủ, ông trời sẽ gửi đến các đại sứ để giúp đỡ mình, cũng như một câu mà chị rất thích trong Nhà giả Kim “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”. Khi mình ở trong hành trình của cuộc đời, nếu mang tinh thần học hỏi với sự khiêm tốn, thấy bản thân nhỏ bé để không ngừng nạp thêm tri thức, mình sẽ học nhanh hơn, đi mau hơn trên từng chặng đường.

Trên đây là những chia sẻ hết sức thú vị và đắt giá từ hai chị. Cuối cùng, CLB Nhân sự - Khởi nghiệp xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Tipsy Art và Trên Boong Concept đã dành nhiều thời gian quý báu để tham gia cùng với chúng mình trong dự án E - Magazine 02. Xin chúc cho hai startup ngày càng phát triển vượt trội, gặt hái được nhiều thành công và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ hơn nữa đến xã hội nói chung và các bạn trẻ, các bạn sinh viên nói riêng.