PEER PRESSURE - NỖI ÁP LỰC TRÊN VAI NGƯỜI TRẺ

Việc nhìn thấy người khác có cuộc sống thú vị, sung túc hơn mình sẽ vô tình khiến cá nhân đố kỵ và thôi thúc họ phải bắt kịp những thành tựu ấy. Họ lấy thành công của người khác làm thước đo cho thành công của chính mình. Nỗi áp lực đồng trang lứa đã vô hình tạo nên một nỗi ám ảnh đối với những người trẻ hiện nay. 

– Sao có thể vừa tốt nghiệp cấp 3 mà đã nhận được học bổng du học nhỉ?


– Cậu ấy làm cách nào mà bằng tuổi mình nhưng đã thành lập công ty rồi?


– Làm sao mà đạt được 8.0 IELTS khi chỉ mới học năm 2 thôi?


Nếu bạn hay tự hỏi bản thân những câu hỏi này và cảm thấy một áp lực vô hình đè nặng trên vai thì rất có thể bạn đang trải qua cảm giác mang tên “peer pressure” - nỗi áp lực đồng trang lứa.

 

Tuy “khó chịu” là thế nhưng cảm xúc này không nên bị ghét bỏ mà đòi hỏi chúng ta đối diện với nó để hiểu thêm về bản thân. Vì vậy hãy cùng chúng mình tìm hiểu kỹ hơn về nỗi áp lực này nhé!


Vì sao chúng mình trải qua Peer Pressure? 

Con người ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể trải qua cảm giác áp lực đồng trang lứa, song tỷ lệ người trẻ mắc phải lại cao hơn cả. 


Đối với sinh viên nói riêng và người trẻ nói chung, độ tuổi hai mươi chính là lúc chúng ta hình thành và phát triển bản sắc cá nhân một cách mạnh mẽ nhất. Môi trường xung quanh cũng có sự thay đổi đáng kể khi chúng ta sẽ tiếp xúc với rất nhiều người. Mỗi người được tự do chọn cho mình con đường riêng, có người rất thành công và cũng có những người chỉ vừa chập chững bắt đầu. 


Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng góp phần không nhỏ trong việc khuếch đại áp lực đồng trang lứa. Đa số người trẻ dành rất nhiều thời gian trực tuyến, điều này tạo điều kiện cho chúng ta được liên tục cập nhật về cuộc sống của người khác thông qua mạng xã hội. Việc này góp phần rút ngắn khoảng cách giữa con người với nhau và tạo điều kiện để người trẻ tiếp cận được với thông tin nhanh chóng hơn. Song việc nhìn thấy người khác có cuộc sống thú vị, sung túc hơn mình sẽ vô tình khiến cá nhân đố kỵ và thôi thúc họ phải bắt kịp những thành tựu ấy. Tất cả những điều ấy đã góp phần tạo nỗi áp lực đồng trang lứa.



Lợi ích và tác hại đến từ Peer Pressure

Đầu tiên, bạn cần biết rằng áp lực đồng trang lứa thật ra rất đáng trân trọng. Khi bạn gặp phải áp lực này, điều đó không chứng tỏ bạn kém cỏi hay lười nhác mà nó chỉ khẳng định rằng bạn đang phát triển, bạn muốn nỗ lực, bạn khao khát thành công và bạn có trách nhiệm với chính mình. Vì chỉ khi con người cần sự đi lên thì họ mới lo lắng về những bước lùi của bản thân và bước tiến của xung quanh. Bên cạnh đó, cũng giống như câu “gần mực thì đen - gần đèn thì sáng”, nếu bạn được tiếp xúc với những người giỏi giang và tích cực, chúng ta cũng sẽ phát triển theo xu hướng ấy.


Tuy nhiên, nếu phải chịu áp lực này trong khoảng thời gian quá dài mà không thoát ra được sẽ khiến bạn chán ghét, hạ thấp bản thân, mất động lực và niềm tin để tiếp tục cố gắng trên con đường mình đã chọn. Khi động lực hao mòn, chúng ta dễ đánh mất bản thân và còn trở nên ganh tị, giận hờn vô cớ với bạn bè đồng trang lứa vì những thành công của họ. Các căn bệnh về tinh thần cũng là một mối đe dọa mà peer pressure đem lại. Những triệu chứng trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng kéo dài,... là hệ quả cho việc không thể giải phóng bản thân khỏi cảm xúc tiêu cực khi luôn bị áp lực đè nặng trên vai. Đối với người trẻ như sinh viên chúng mình thì những tác hại này thật sự còn nguy hiểm hơn vì chúng ta đang trong giai đoạn nhạy cảm của quá trình làm người lớn. Do đó, việc tìm ra giải pháp để vượt qua tình trạng này rất cần thiết và đó là cơ hội để ta hiểu rõ hơn về bản thân mình.


Làm thế nào để vượt qua Peer Pressure?


Thực tế, những gì bạn nhìn thấy của người khác đều là những hình ảnh tốt đẹp nhất, hoàn hảo nhất mà họ muốn bạn thấy. Những khó khăn, những khuyết điểm hay quá trình gian khổ họ đã giấu đi rồi. Chúng ta đang so sánh những cảnh hậu trường xấu xí của cuộc đời mình với những cảnh quay hào nhoáng của những người khác. 


Chúng ta cần phải hiểu rằng cuộc sống của mỗi người là những cuộc hành trình khác nhau cả về mục đích và phương pháp đạt được những mục đích đó. Để có được thành công như hiện tại, ai cũng phải trải qua những chuỗi ngày khó khăn, vất vả, song những điều ấy lại hiếm được đề cập tới, thay vào đó là những điều hào nhoáng và những thành tựu lớn lao. Vì vậy, đừng vội đặt nỗi áp lực khi nhìn người khác thành công lên đôi vai mình, vì bạn không thể biết được họ đã trải qua những gì. Quan trọng hơn hết, định nghĩa về hạnh phúc của mỗi cá nhân cũng có sự khác biệt rõ rệt. Có những người yêu thích những điều kỳ vĩ lớn lao, song lại có người hài lòng với những bình yên hiện tại. Không có một thước đo chuẩn xác nào cho khái niệm “hạnh phúc”, vì vậy đừng chỉ mải nhìn về cuộc sống của người khác mà quên đi giá trị mình hướng đến là gì. 



Bạn nên chấp nhận bản thân mình, yêu lấy những ưu điểm và bao dung cho những khuyết điểm. Mỗi người có một tiềm năng, sở trường khác nhau mà chính bạn có thể cũng chưa khám phá ra vì chỉ chú ý vào tài năng người khác. Chấp nhận chính mình là bước đệm đầu tiên trong hành trình yêu bản thân để từ đó có một nguồn sức mạnh nội tại bền vững hướng chúng ta đến những giá trị tích cực.


Bên cạnh đó, khi đối mặt với áp lực, có một sự thật bạn cần phải nhớ rằng núi này cao còn có núi khác cao hơn, vì thế mọi so sánh luôn là khập khiễng. Người duy nhất cần phải vượt qua là chính bạn. Hãy nhớ bạn chỉ nên cố gắng để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân, chứ không nên là một bản sao hoàn hảo của bất kỳ ai khác.



Để thoát khỏi vòng xoáy của áp lực, bạn nên tìm ra lối đi riêng cho mình. Tìm ra mục tiêu cho cuộc sống của bạn, điều mà thực sự khiến trái tim bạn rung động mỗi khi nghĩ đến, đó sẽ là con đường dành cho bạn. Việc tập trung vào mục tiêu của mình sẽ khiến bạn quên đi những xao nhãng và vì thế sẽ không còn chỗ cho peer pressure tồn tại. Mục tiêu ấy không cần phải giống với bất kì ai và nó chỉ nên phục vụ cho sự hài lòng của bạn. 


Khi đặt ra mục tiêu rồi, việc quan trọng hơn phải làm đó là xây dựng nên kỷ luật để hướng cho bản thân luôn tập trung vào việc hoàn thành mục tiêu ấy. Việc chăm chỉ phát triển bản thân mỗi ngày theo chiều hướng tích cực sẽ giúp tăng lòng tự trọng, tính tự giác và sự thỏa mãn - những thứ ấy là tiền đề cho một cuộc sống có định hướng và cân bằng hơn, giúp bạn thoát khỏi áp lực xung quanh mình. 



Kết


Trên con đường của sự trưởng thành luôn có nhiều mối lo toan và nỗi áp lực khó nói nên lời mà peer pressure chính là một trong số đó. Mong rằng sau tất cả, nỗi áp lực đồng trang lứa sẽ đóng vai trò như là một động lực thúc đẩy bạn tiến về phía trước trên con đường phát triển bản thân và hướng đến những giá trị tốt đẹp. 


Phương Mai