LÀM VIỆC TRÁI NGÀNH SAU TỐT NGHIỆP - SỰ ĐÁNH ĐỔI GIỮA “ĐƯỢC” VÀ “MẤT”

Để tìm được công việc mình thực sự yêu thích là cả một quá trình rất dài. Khi vừa mới tốt nghiệp, có thể tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành thì đó là một điều vô cùng may mắn. Nhưng nếu bạn mong muốn hay bị buộc phải làm trong một công việc trái ngành thì sao? Bạn sẽ phải đánh đổi và có thể nhận được những cơ hội gì? Bài viết này sẽ phần nào giải đáp giúp bạn những thắc mắc này!

Ngày nay, hiện tượng sinh viên ra trường lựa chọn công việc trái với ngành học trên tấm bằng tốt nghiệp đã trở nên rất phổ biến. Theo thống kê của Bộ LĐ - TB&XH, con số những người lao động làm việc trái ngành lên tới 70%. Vậy, nguyên nhân do đâu? Làm việc trái ngành - liệu có nên hay không?



Những lý do thường gặp khi sinh viên chọn làm việc trái ngành sau tốt nghiệp


Trong quá trình học tập, một số bạn nhận ra mình chán nản với ngành học hiện tại, không có hứng thú, động lực để học hỏi và làm việc trong môi trường của ngành nên quyết định thử sức ở lĩnh vực khác.


Một số khác tìm thấy công việc mà bản thân yêu thích. Trước đó, họ đã tìm hiểu và tự học tập các kiến thức của lĩnh vực mới để sau khi tốt nghiệp có thể lập tức ứng tuyển vào ngành đó.


Số đông còn lại lựa chọn công việc trái ngành là vì không tìm được công việc phù hợp ở chuyên ngành của mình hoặc vấn đề lương thưởng không hấp dẫn khi mới tốt nghiệp. Đa số họ sẽ chuyển hướng sang một số công việc đang có xu hướng phát triển như thương mại, truyền thông, kinh doanh qua mạng, nhân viên sales, nhân viên bảo hiểm… vì chúng có thể tạo ra thu nhập tức thì.



Sinh viên sẽ “mất” gì khi lựa chọn một công việc trái ngành?

Trước tiên, thời gian và chi phí cho việc học đại học sẽ bị lãng phí khi không thể ứng dụng kiến thức đã học vào đúng ngành nghề. Chưa dừng lại ở đó, họ sẽ phải mất thêm thời gian để được đào tạo những kiến thức nền tảng, kỹ năng về ngành mới, dài hay ngắn phụ thuộc vào mức độ hiểu biết trước đó của họ về ngành.


Sinh viên khi vừa mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc sẽ càng gặp nhiều khó khăn khi ứng tuyển vào công việc trái ngành. Họ bị mất lợi thế cạnh tranh và cũng thường phải chấp nhận chế độ lương thưởng thấp hơn so với các ứng viên trong ngành.



Vậy, những cái “được” khi lựa chọn công việc trái ngành là gì?

Đối với một số sinh viên có đam mê ở lĩnh vực khác thì được có cơ hội được trải nghiệm ở một ngành mới, môi trường mới. Điều này tạo động lực và thúc đẩy năng suất công việc đối với cá nhân đó. Những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn xem xét bản thân phù hợp với điều gì.


Sau tốt nghiệp, tìm việc làm chính là cuộc đua vô cùng khó khăn và mệt mỏi của hầu hết sinh viên. Thay vì dậm chân tại chỗ chờ đến khi tìm được công việc phù hợp, họ có thể chấp nhận một công việc trái ngành tạm thời như cơ hội để có thêm kiến thức thực tế.



Kết


Tỷ phú Jack Ma cũng từng khuyên rằng khoảng thời gian 20-30 tuổi là để học hỏi và trải nghiệm hơn là thời gian dành cho sự ổn định.


Có rất nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau khiến bạn lựa chọn một công việc trái ngành. Làm việc trái ngành cũng giống như bất kỳ quyết định nào trong cuộc đời bạn: sẽ có “được” và “mất”. Điều quan trọng là khi thực sự làm, bạn mới biết bản thân có phù hợp hay không. Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi ra quyết định nhé!


Ngọc Trâm