STARTUP VÀ SME - ĐÂU LÀ ĐIỂM KHÁC BIỆT?

Startup và SME vốn là những mô hình kinh doanh nổi tiếng và được vận dụng nhiều ở nước ta. Năm 2020, tỷ lệ Startup và SME chiếm hơn 95% số doanh nghiệp trong cả nước. Nói về sự “chiếm lĩnh” này, nhiều người ví von rằng cả hai mô hình đều “mọc lên như nấm sau mưa” và được kỳ vọng là sẽ hồi phục đầy tích cực hậu đại dịch COVID-19.

Dù phổ biến nhưng nhiều người vẫn lẫn lộn khái niệm của hai mô hình kinh doanh này. Vậy SME và Startup là gì, chúng khác nhau ở những đặc điểm nào? Mời bạn đồng hành cùng CLB Nhân sự - Khởi nghiệp để tìm hiểu thêm về chủ đề này nhé.

1. Startup là gì? SME là gì?

Startup hay còn được gọi là khởi nghiệp, là việc xây dựng doanh nghiệp bởi một cá nhân hay một tổ chức có sự thống nhất về mặt ý tưởng và cùng bắt tay kinh doanh. Ngoài ra, theo ông Trương Gia Bình, khi nhắc đến Startup thường sẽ liên quan đến lĩnh vực công nghệ hoặc lấy công nghệ làm chủ đạo, phải đính kèm với những gì mới mẻ, vượt bậc và mang giá trị lâu dài.

SME (Small and Medium Enterprise) tạm dịch là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đúng như tên gọi của nó loại hình doanh nghiệp này được đầu tư với số vốn, quy mô và doanh thu ở mức nhỏ và vừa. SME được chia thành ba loại:

2. Phân biệt Startup và SME

2.1. Mục tiêu kinh doanh

Startup là những công ty nhỏ với tầm nhìn lớn. Startup và SME đều mang mục tiêu chung là “lợi nhuận”. Không chỉ dừng lại ở đó, mục tiêu kinh doanh của Startup còn thể hiện bởi khát vọng phát triển mạnh mẽ ở thị trường trong nước lẫn quốc tế. Bởi triển khai những điều mới mẻ vốn không dễ thế nên một số dự án khởi nghiệp chấp nhận “gồng lỗ” những tháng đầu kinh doanh để gặt hái “quả ngọt” về sau.


SME thường hoạt động dựa trên các mô hình có sẵn trên thị trường, lợi nhuận cũng là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp này. Bởi vì không có điểm gì quá mới mẻ, kế hoạch triển khai không quá cồng kềnh nên SME có thể đạt lợi nhuận từ những tháng đầu tiên hoạt động.

2.2. Lợi thế cạnh tranh

Đối với Startup, một trong những điều khiến các doanh nghiệp trong mô hình kinh doanh này thành công là ý tưởng. Ý tưởng khi thành lập doanh nghiệp đủ mới mẻ, sáng tạo sẽ khiến các dự án khởi nghiệp nổi bật trên thương trường rộng lớn. Đi kèm với ý tưởng là tính thực thi của dự án bởi một dự án khởi nghiệp chỉ có thể thành công khi hội tụ đủ hai yếu tố cơ bản là “ý tưởng hay” và “tính thực tiễn cao”.

Các công ty SME kinh doanh dựa trên nhu cầu của thị trường. Do đó việc nắm bắt và đáp ứng nhanh chóng, kịp lúc nhu cầu thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp SME có được lợi thế cạnh tranh hơn so với đối thủ.

2.3. Khả năng quy trình hóa

Tự động hóa quy trình doanh nghiệp liên quan đến việc sử dụng công nghệ được hỗ trợ như phần mềm và ứng dụng để thực hiện các quy trình và hoạt động kinh doanh, với mục đích duy nhất là giảm thiểu chi phí và tăng năng suất, tối ưu hóa quy trình.

Các doanh nghiệp Startup thường tập trung vào khả năng quy trình hóa trong bộ máy của mình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công việc, chuyển nhượng mô hình,...

SME sẽ chuyển giao trong bí mật hoặc không chuyển giao. Điều duy nhất các doanh nghiệp này tập trung chính là sự phát triển của mô hình dịch vụ mình đang kinh doanh.

2.4. Chủ sở hữu

Đối với Startup, nhà sáng lập thường tìm đến các quỹ đầu tư để kêu gọi tài trợ, góp vốn nên các startup thường chia sẻ cổ phần với các nhà đầu tư. Với mong muốn phát triển mạnh mẽ trên cả nước thậm chí là toàn cầu nên các dự án khởi nghiệp cần có nguồn vốn đủ mạnh. 

Đa số các doanh nghiệp SME thuộc dạng gia đình, ít huy động vốn từ bên ngoài. Điều này sẽ có những ưu nhược điểm nhất định, công ty gia đình giúp các nhà thành lập dự án dễ dàng kiểm soát và điều chỉnh bộ máy hoạt động. Tuy nhiên nếu người đứng đầu không đủ chuyên môn sẽ dễ dàng xảy ra những thất bại không đáng có cho doanh nghiệp.

2.5. Yếu tố rủi ro

Như đã nhắc ban đầu, các Startup phát triển vượt bậc dựa trên những ý tưởng mới mẻ, táo bạo. Thế nhưng đằng sau những ý tưởng thú vị đó luôn tiềm ẩn những rủi ro rất lớn. Khó ai có thể đảm bảo rằng tất cả những ý tưởng ban đầu có thể được triển khai thành công.

Các doanh nghiệp SME thì không cần quá nhiều điểm đổi mới, sáng tạo như thế. Bởi vì những việc họ thực hiện đều dựa trên những mô hình đã có sẵn trên thị trường nên sẽ chịu ít rủi ro hơn các dự án khởi nghiệp và cũng sẽ phát triển ổn định hơn trong thời gian dài.

2.6. Công nghệ

Theo ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì "Doanh nghiệp khởi nghiệp phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới.” Để hiện thực hoá những ý tưởng mới mẻ chưa ai thực hiện đòi hỏi sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong các dự án khởi nghiệp. Do đó sự thành công của một dự án startup còn phụ thuộc vào yếu tố công nghệ của doanh nghiệp này. 

Khác với các dự án khởi nghiệp, những doanh nghiệp SME kinh doanh các mặt hàng quen thuộc trên thị trường. Do đó để nâng cao hiệu suất kinh doanh hay phát triển dịch vụ của mình họ chỉ cần nâng cấp những thứ sẵn có để quá trình hoạt động diễn ra trơn tru, nhanh chóng hơn. Một số doanh nghiệp SME lại lựa chọn trang bị thêm những thiết bị tân tiến hiện đại để tối ưu hóa quá trình sản xuất của mình.

Kết

Cả hai mô hình kinh doanh này đều có những đặc điểm tiêu biểu cũng như định hướng phát triển khác nhau từ những bước đầu thành lập. Hi vọng qua bài viết bạn có thể nắm được những thông tin tiêu biểu của hai loại hình kinh doanh phổ biến này. Từ đó dựa vào những nét đặc trưng của mỗi loại hình để đề xuất những phương án phát triển cho doanh nghiệp của mình nhé.

Ngọc Thủy