Khởi nghiệp luôn là một quá trình đầy gian nan thử thách. Hành trình để chạm đến giấc mơ khởi nghiệp thực sự không phải là điều dễ dàng. Bao nhiêu thách thức được đặt ra là bấy nhiêu mật mã cần được các nhà khởi nghiệp mở khóa. Để hiện thực và mở rộng quy mô dự án, các startup phải tìm cách để kêu gọi các nhà đầu tư rót vốn. Đối với những bạn sinh viên chưa có nhiều mối quan hệ, cách đơn giản nhất để gây ấn tượng đó chính là tham gia các cuộc thi khởi nghiệp. Vậy các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sẽ diễn ra như thế nào? Làm sao để thu hút được vốn đầu tư từ các doanh nghiệp? Ta hãy thử đi tìm hiểu về hành trình hiện thực hóa mô hình khởi nghiệp của Quán quân STARTUP ZONE 2020 do CLB Nhân sự - Khởi nghiệp tổ chức. 

“Bất cứ lúc nào cũng là thời điểm thích hợp để bắt đầu một công ty” – Ron Conway. Khi tham gia cuộc thi, xuất phát điểm của mỗi đội chơi đều giống nhau. Bất kỳ đội chơi nào cũng trải qua thời kỳ “không độ”: không nhà đầu tư, không khách hàng, không danh tiếng, không vị thế. Nhưng bằng tài năng và sự nỗ lực không ngừng, nhóm Ponicacbon bao gồm 5 thành viên đã xuất sắc dành vị trí QUÁN QUÂN TRONG CUỘC THI STARTUP ZONE 2020. Ngoài hiện kim và các suất học bổng đào tạo kỹ năng kiến thức kinh doanh, nhóm còn được doanh nhân thành đạt Nguyễn Anh Đào của Công Ty Cổ Phần Đầu Tư VietHome đầu tư nóng lên đến 35% cổ phần. Quả là một thành tích đầy ấn tượng. 

Chị Tâm: “Do cùng học UEH với nhau nên ban đầu thì team chỉ có mỗi Tâm, Nhi với Huyền thôi. Sau đó Tâm mới rủ thêm hai người bạn học cấp ba của mình nữa là Huy và Thư. Nhóm Ponicacbon cũng thành lập từ đấy.

Về việc tìm đồng đội thì mình nghĩ các bạn cứ thoải mái vì chúng mình lập team cũng do “nhân duyên” thôi à. Hãy tìm những bạn mà mọi người cảm thấy có thể làm việc được, có thể phối hợp ăn ý với nhau và tôn trọng nhau trong quá trình làm việc là có thể thành lập team được rồi. Ngoài ra trong team mình cũng nên có một bạn hoạt ngôn, giỏi ăn nói. Vì sẽ có lúc mọi thứ không theo kế hoạch mình đã chuẩn bị trước và cũng có khá nhiều tình huống bất ngờ diễn ra, ví dụ là những câu hỏi mình chưa kịp chuẩn bị thì lúc này bạn đó có thể sẽ gánh cả team luôn. (Cười)”

“Thực ra thì chính mình cũng chưa từng nghĩ là bản thân sẽ tham gia SUZ đâu. Bỗng nhiên một ngày, Huyền - trưởng nhóm Ponicacbon rủ mình và Nhi tham gia. Sau một thời gian tìm hiểu thì mình thấy cuộc thi khá thú vị nên đã đồng ý tham gia cùng Huyền và team.” Chị Tâm chia sẻ. 


Chị Tâm: “Nguồn gốc ý tưởng của nhóm Ponicacbon xuất phát từ Huy. Ngay trong buổi họp đầu tiên, cả team quyết định sẽ cùng đưa ra một số ý tưởng sau đó chọn cái mà cả team cảm thấy “ưng” nhất. Lúc đó Huy cùng các thành viên đã đưa ra ba, bốn ý tưởng. Sau một hồi thảo luận và cân nhắc thì chúng mình quyết định chọn ý tưởng này.

Thứ nhất, là vì mô hình Aquaponics chưa quá phổ biến ở Việt Nam nên team quyết định thực hiện để mang mô hình này tới nhiều người hơn. 

Thứ hai, là chúng mình rất quan tâm đến vấn đề môi trường và điểm đặc biệt của mô hình này là sử dụng than sinh học tái chế từ vỏ cà phê. Do đó thỏa mãn được tiêu chí của team là thân thiện và bảo vệ môi trường.

Thứ ba,  là vì người ta thường sử dụng mô hình Aquaponics để trồng rau là chủ yếu nên team chúng mình muốn mở rộng mô hình phát triển theo hướng khác - vẫn giữ những giá trị cốt lõi đồng thời mang hơi hướng thẩm mỹ cao hơn. Thay vì trồng rau thì mình có thể trồng các cây dạng thuỷ canh sử dụng cho các căn hộ để làm vật trang trí trong nhà hoặc vì mục đích phong thuỷ chẳng hạn,..

Còn cái tên Ponicacbon được các thành viên ghép từ “Aquaponics” là mô hình bán thuỷ phân và từ “Cacbon” là than sinh học.”

Chị Nhi: “Thực ra thì môi trường luôn là vấn đề được quan tâm nhất hiện nay vì nó biến động hằng ngày. Bảo vệ môi trường luôn được chúng ta ưu tiên và tìm cách khắc phục nó. Tuy nhiên sản phẩm dự thi SUZ đến với team của mình cũng khá tình cờ. Một thành viên trong nhóm biết được mô hình này và đề xuất ý kiến cho nhóm. Sau một thời gian bàn bạc cũng như cân nhắc với các thành viên trong team, chúng mình quyết định thực hiện dự án và đi thi.” 

Chị Thư: “Thời gian đó trùng với khoảng thời gian thi cuối kỳ nên chị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chị phải cân bằng giữa việc học bài ôn thi và họp team, cùng trao đổi, thảo luận để đưa ra ý kiến thống nhất. Vì có nhiều thứ phải lo như vậy nên chị cũng đã bỏ lỡ vài điều. Và điều chị hối tiếc nhất đó là chưa đóng góp được hết sức mình để giúp đồng đội có thể suôn sẻ hơn trong bài thi, bởi thời gian cũng như sức khỏe bị hạn chế.” 

Chị Tâm chia sẻ thêm:Không có khó khăn là nói dối bởi vì không ít thì nhiều thì cũng có những vấn đề xuất hiện khiến tụi chị phải đau đầu suy nghĩ để tìm cách giải quyết phù hợp. Do bọn chị có thành viên học không cùng trường nên thời gian biểu của bọn mình cũng khác nhau. Vì vậy việc sắp xếp thời gian để họp team là điều rất khó, tuy nhiên thì cả team cũng đã ráng hết sức để có mặt đầy đủ nhất có thể.

Bên cạnh đó, ngoài tham gia cuộc thi bọn chị còn có deadline trên lớp nên số lượng công việc phải gánh trên vai rất lớn. Đỉnh điểm là giai đoạn cuối vừa phải lo văn bản nội dung mà vừa phải lo mô hình nữa nên tụi chị đã gặp không ít áp lực.

Ngoài ra thì mỗi người có mỗi chính kiến khác nhau, nên nhiều khi có xảy ra mâu thuẫn căng như dây đàn luôn. Có lúc muốn bỏ ngang nhưng rồi bọn chị đã động viên nhau cùng vượt qua quãng thời gian đầy khó khăn ấy.”

Chị Thư: “Chị rất đồng tình với quan điểm này. Từ những em trẻ đang ở tuổi tập đi thì những cú ngã liên tiếp, những giọt nước mắt sẽ góp một phần quan trọng giúp các em ngày càng tự tin và mạnh mẽ. Cuối cùng, các em có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình sau đó tự do bay nhảy. Chị nhận thấy: những người đặt chân được đến thành công phần lớn là người đứng dậy từ sai lầm, sau những lần thất bại. Bởi họ coi vấp ngã chỉ là tạm thời, là bài học bổ ích giúp tích lũy được những kinh nghiệm. Khi vấp ngã, ta không bỏ cuộc, mà xác định vấn đề là gì, cố gắng cải thiện, tìm kiếm phương án hợp lý hơn để giải quyết. Như Winston Churchill đã nói: “Sự thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết và quyết tâm vươn lên”. Dù thất bại 1 lần, 5 lần, 100 lần, chỉ cần có ý chí đứng dậy, mỗi lần ta hãy cố gắng hơn một chút, thành công chắc chắn sẽ mỉm cười.” 


Chị Nhi: “Đối với chị thì giai đoạn khó khăn nhất của team chính là quyết định thay đổi mô hình dự thi từ mục đích cung cấp rau sang hình thức trang trí.  Điều đó đồng nghĩa với việc tụi chị cần thu nhỏ quy mô mô hình lại và phải thiết kế mô hình đẹp và hợp với thị hiếu của mọi người hơn. Đó là việc không hề dễ dàng. Ngoài ra, lúc làm mô hình mô phỏng bọn chị cũng gặp khó khăn: một phần vì sợ thành quả sẽ không được như mong muốn, phần còn lại thì do có một số trục trặc nhỏ trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, cùng với sự cố gắng và nỗ lực của cả team, mô hình mô phỏng đã được hoàn thành và cũng rất đẹp nữa.” 

Chị Nhi: “Đối với mình, kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là khi cả nhóm đã đi đến vòng loại cuối cùng để bước vào đêm chung kết. Tại vòng này, Ban Giám khảo đã yêu cầu chúng mình cần phải thay đổi mô hình dự thi sao cho thật sáng tạo và phù hợp với xu hướng hiện nay. Đây cũng là một trong những thời điểm khó khăn, chúng mình phải lựa chọn giữa sự tâm đắc cá nhân hay sự góp ý của những người đi trước. Nếu như chúng mình thay đổi mô hình, có nghĩa là chúng mình phải bắt đầu lại từ đầu. Lúc này chúng mình đã có những mâu thuẫn, xích mích nội bộ, nhưng nhờ vậy mà các thành viên có cơ hội để nói ra những suy nghĩ, quan điểm và góc nhìn cá nhân, và cũng nhờ đó mà nhóm đã thấu hiểu nhau hơn, nhìn nhận vấn đề bao quát và thực tế nhất để cùng nhau tiến vào chung kết.” 

“Nếu phải sử dụng 3 từ để nói về hành trình tham gia cuộc thi thì đối với mình thật sự không đủ, đó là cả một quá trình đầy cảm xúc với tất cả các thành viên trong nhóm. Lúc đầu là một hành trình “bỡ ngỡ”, mình thì thật sự còn mong lung và chưa biết nên bắt đầu từ đâu, ý tưởng dự án ban đầu rất đơn giản và sơ sài. Nhưng mà may mắn là chúng mình đều có một điểm chung là luôn “cố gắng”, “quyết tâm” hết sức mình dù chưa biết kết quả sẽ ra sao, vì dù sao chúng mình vẫn được nhiều hơn là mất. Nhờ sự cố gắng, nỗ lực, không buông xuôi trước những khó khăn mà tụi mình đã được đền đáp bằng thành quả lọt vào top 4. Cả nhóm vừa bất ngờ vừa sung sướng ở thời điểm đó. Từ đó nhóm có thêm động lực để đặt ra mục tiêu trở thành quán quân STARTUP ZONE 2020.” - Chị Thư chia sẻ 

Chị Huyền: “Mình còn nhớ rất rõ cảm xúc đêm chung kết, trước đó vài tiếng, chúng mình vẫn còn đang loay hoay không biết làm sao để cô đọng nội dung muốn truyền tải đến Ban Giám khảo, Nhà đầu tư trong thời gian Ban Tổ chức cho phép, vì hầu như mỗi lần duyệt thử đều bị quá thời gian. Lúc đó cả nhóm rất run và hồi hộp luôn, nhưng khi được đứng trên sân khấu nói về dự án cũng như đứa con quý báu này, tụi mình đã quên đi sự lo lắng mà cảm xúc lúc đó chuyển thành sự tự tin, nhiệt huyết, đam mê. Nhờ sự tự tin, say mê, cố gắng hết mình cuối cùng chúng mình đã chinh phục được Ban Giám khảo và Nhà đầu tư. Đứng trên sân khấu A116, nghe lời khen ngợi, những tràng pháo tay và cổ vũ từ khán giả, chúng mình cảm thấy tự hào bởi sự công nhận của mọi người.” 

Chị Huyền: “Cảm xúc lúc đó là bất ngờ, vỡ òa, sung sướng và hạnh phúc . Ngay từ lúc đầu, nhóm mình hướng đến giải được yêu thích nhất nên cũng không hy vọng quá nhiều, thêm nữa là vào những lúc training bọn mình không nghĩ là Ban Giám khảo đánh giá cao dự án của nhóm. Đi cùng nhau từng chặng đường tại STARTUP ZONE 2020 là muốn thử sức với bản thân, muốn tìm kiếm sự bản lĩnh của mỗi người. Nhờ có sự đồng lòng của từng thành viên trong nhóm, lời khuyên từ cố vấn, hỗ trợ từ Ban Tổ chức và vô vàn tình yêu thương từ bạn bè, người thân, chúng mình đã cùng nắm chặt chiếc cúp vô địch và hô vang “PONICACBON” tại giờ phút tuyệt vời ấy.” 

Anh Huy:Đến với SUZ chúng mình đã có được những trải nghiệm hoàn toàn mới lạ. Không chỉ được giao lưu với những bạn rất tài năng mà còn kết nối với các doanh nghiệp, các anh chị mentor và nhận được nhiều lời khuyên quý báu. Chúng mình xin cảm ơn Ban Tổ chức đã giúp chúng mình có được những trải nghiệm thật đẹp của thời sinh viên, xin chúc Câu lạc bộ ngày càng lớn mạnh và tổ chức được thêm nhiều cuộc thi bổ ích.” 

Anh Huy: “Đối với những bạn thí sinh SUZ mùa kế tiếp mình hy vọng là các bạn sẽ có một cái đầu lạnh để cùng nhau vượt qua khó khăn và thử thách vì khởi nghiệp là một hành trình gian nan và chông gai rất nhiều. Sẽ có những lúc các bạn bế tắc và rất muốn bỏ cuộc nhưng bên cạnh các bạn vẫn còn có các đồng đội sẵn sàng đi cùng bạn đến cuối chặng đường. Chúng ta chỉ thất bại khi không dám thất bại. Hãy mạnh mẽ và tin tưởng vào bản thân cũng như đồng đội và rồi các bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.”

HR - STARTUP xin gửi lời cảm ơn đến team Ponicacbon vì đã dành thời gian tham gia phỏng vấn. Chúc anh chị luôn thành công trên chặng đường sắp tới!