STARTUP - LIỆU ĐÂY CÓ PHẢI LÀ MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC BẠN KHÔNG NÊN THỬ?

Cụm từ “Startup” là thuật ngữ chưa bao giờ hết phổ biến và là làn sóng ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là khi phong trào khởi nghiệp ngày càng nở rộ tại Việt Nam.

Sự hình thành và trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp đã khiến cho nhiều bạn trở nên phân vân, đắn đo liệu mình có nên lựa chọn làm ở các công ty Startup hay Tập đoàn lớn. 


Vậy nếu bạn đang là một trong số những người đang đứng ở ngã rẽ này, hãy cùng chúng mình tìm hiểu thêm về môi trường làm việc này nhé!

1. Startup là gì?

Startup là một công ty trẻ đang trong giai đoạn hình thành hoặc giai đoạn đầu của sự phát triển được khởi đầu bởi một vài người sáng lập nhằm mang lại một sản phẩm, dịch vụ mới hoặc giải pháp độc đáo cho thị trường để tạo ra cơ hội kinh doanh.

Các công ty khởi nghiệp được đặc trưng bởi những ý tưởng đổi mới, tính chất đột phá và tiềm năng phát triển nhanh chóng. Không giống như các doanh nghiệp lớn, các công ty Startup thường hoạt động trong môi trường ít ổn định, chấp nhận rủi ro lớn để tạo ra điều gì đó mới mẻ và có giá trị phục vụ với nhiều đối tượng và mục đích khác nhau. Do các công ty ấy chưa được biết đến rộng rãi nên thường được tài trợ tư nhân bởi chủ sở hữu hoặc người sáng lập. 

2. Cách thức hoạt động của Startup

Các công ty khởi nghiệp thường hoạt động giống như các doanh nghiệp kinh doanh khác, sự khác biệt là họ cần phải cố gắng giới thiệu ý tưởng mới, đột phá về sản phẩm hoặc dịch vụ ra thị trường. Khi mới thành lập công ty Startup, các nhà sáng lập thường tập trung vào những hoạt động bao gồm: kêu gọi vốn đầu tư, tiến hành nghiên cứu thị trường, lựa chọn cấu trúc kinh doanh và đáp ứng mọi yêu cầu pháp lý để vận hành doanh nghiệp. Họ thường phải kêu gọi vốn tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau để phát triển kinh doanh. Trước khi thỏa thuận huy động vốn, công ty Startup sẽ phải định mức giá trị công ty của mình. 

3. Sự khác biệt giữa Startup so với các Tập đoàn lớn

Quy mô: Quy mô nhỏ với nguồn lực hạn chế và thường chỉ bao gồm một nhóm nhỏ.

Môi trường làm việc: Mới mẻ, nhiều thách thức, nhịp độ nhanh, giờ làm việc linh hoạt.

Văn hóa: Khuyến khích sự sáng tạo, linh hoạt và chấp nhận rủi ro.

Tầm nhìn: Tham vọng lớn với mục tiêu tạo nên sự mới lạ trên các ngành hiện có hoặc tạo ra thị trường mới.

Tính chủ động: Các sáng kiến của mỗi cá nhân có thể tạo ra dự án hay công việc cho Startup. 

Cơ hội học hỏi: Nhân viên có thể thu được kiến thức đa dạng trong quá trình xử lý nhiều nhiệm vụ và thực hiện nhiều vai trò.

Thăng tiến: Sự phát triển nghề nghiệp phụ thuộc vào hiệu suất cá nhân.

4. Những ưu điểm khi làm việc tại Startup

Có thể nói làm việc trong môi trường Startup mang lại một số lợi thế đáng kể như:

Tính đổi mới: Các công ty khởi nghiệp thường thúc đẩy văn hóa đổi mới sản phẩm hoặc dịch vụ. Mục tiêu là đưa ra các ý tưởng, giải pháp độc đáo cho các vấn đề hoặc tạo ra thị trường mới để tạo nên môi trường có những đổi mới đột phá.

Tính linh hoạt: So với các doanh nghiệp truyền thống, số lượng nhân viên ở các công ty khởi nghiệp còn hạn chế nên bạn có thể sẽ phải đảm nhận nhiều vai trò và tham gia vào các dự án lớn nhỏ khác nhau. Điều này giúp bạn mở rộng kỹ năng, kiến thức, khám phá các lĩnh vực đa dạng của doanh nghiệp, đồng thời mở đường cho sự thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp.

Tính tự giác cao trong công việc: Phần lớn ở các công ty khởi nghiệp sẽ có trường hợp đồng nghiệp là những người đang trong quá trình học hỏi vì vậy bạn cần phải có tinh thần tự giác, tự tìm tòi để giải quyết công việc một cách hiệu quả. Bạn có thể tìm kiếm các thông tin thông qua các nguồn trực tuyến hoặc các dự án trước đó của công ty. Bên cạnh đó, bạn cần phải cống hiến hết mình cho những chiến lược phát triển của Startup đi kèm với những thành công và rủi ro không ngờ tới. 

Cơ hội phát triển khả năng bản thân: Trong môi trường Startup, nhân viên thường được trao quyền dẫn dắt các công việc quan trọng, các dự án có tác động trực tiếp đến sự phát triển của công ty và những thử thách trong thế giới thực. Họ được lắng nghe và triển khai các ý tưởng của mình. 

Có cơ hội học hỏi từ Founder: Bạn sẽ học được những kĩ năng quản lí nhân sự, phát triển mô hình kinh doanh và duy trì mô hình kinh doanh ấy từ một người founder đi trước hơn là bạn chỉ nghe hay học qua sách vở, tài liệu.

Môi trường làm việc thân thiện, hòa đồng: Mọi người trong công ty Startup gắn bó chặt chẽ với nhau tạo ra cảm giác thân thiết, hợp tác và có cùng một mục đích chung. Bạn sẽ có cơ hội làm việc với hầu hết các nhân viên, phòng ban trong tổ chức giúp bạn có cơ hội được học hỏi, tiếp xúc với nhiều lĩnh vực chuyên môn đa dạng tạo ra bầu không khí kích thích và động viên, làm cho nhân viên cảm thấy bản thân có giá trị và được trao quyền.

5. Một số thách thức trong môi trường Startup 

Tuy vậy cũng có vài điều cần cân nhắc trước khi làm việc ở các công ty Startup như:

Môi trường làm việc đa dạng: Đa phần các công ty khởi nghiệp hiện nay có thể làm việc tại nhà thay vì ở văn phòng hoặc tham gia các buổi họp tại quán cafe. Thậm chí, bạn còn có thể sẽ phải làm việc với những người bạn đồng nghiệp thuộc nhiều múi giờ khác nhau đòi hỏi nhân viên làm việc tại Startup phải nhanh nhẹn, dễ thích nghi, có tính kỷ luật và tự giác cao. 

Áp lực công việc: Để công ty phát triển nhanh chóng, họ cần phải có khối lượng công việc khắt khe với thời hạn chặt chẽ, yêu cầu nhân viên cần phải đảm nhận, thích nghi nhiều công việc với vai trò khác nhau. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của bạn.

Thiếu kinh nghiệm: Các công ty khởi nghiệp thường hoạt động với các nhóm nhỏ và có lực lượng lao động trẻ, do đó cơ hội cho nhân viên làm việc cùng và học hỏi từ các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong ngành bị hạn chế. 

6. Khi nào bạn nên làm việc ở công ty Startup? 

Bạn muốn khám phá để định hướng bản thân: Khi làm việc ở một công ty Startup, bạn sẽ có cơ hội thử sức rất nhiều vai trò với nhiều vị trí, lĩnh vực, ngành nghề chuyên môn. Startup sẽ thường chỉ có một đội ngũ nhỏ ở mỗi lĩnh vực, và tất cả mọi người sẽ đều được tham gia vào bất kỳ dự án nào nếu thấy cần thiết. Bạn hoàn toàn có thể đưa ra sự lựa chọn quan trọng và phù hợp nhất với bản thân. Vì vậy, nếu bạn chưa xác định được định hướng nghề nghiệp, môi trường khởi nghiệp sẽ giúp bạn thuận lợi đạt được điều đó.

Bạn yêu thích sự tự chủ và sáng tạo: Nếu bạn muốn chủ động khai phá tư duy sáng tạo, sẵn sàng đón nhận và học hỏi từ những thử nghiệm, sai lầm thì môi trường Startup đáng cho bạn trải nghiệm một lần trong đời. Khi tham gia vào công ty khởi nghiệp, sẽ có trường hợp đồng nghiệp cũng là những người trẻ tuổi và đang trong quá trình học hỏi như bạn. Phần lớn mọi người sẽ giải quyết công việc dựa vào việc tự tìm tòi, sáng tạo thông qua các nguồn thông tin trực tuyến, hoặc tham chiếu từ những dự án trước đó của công ty. 

Bạn mong muốn mang lại sức ảnh hưởng: Công ty sẽ thường vận hành từ những sáng kiến mới của các cá nhân vậy nên, ở đây bạn có thể nói lên ý kiến và thực sự được lắng nghe nhiều hơn. Nếu ý kiến đó hay và có lợi cho công ty, chúng sẽ có cơ hội được xem xét và đưa vào thực tiễn. Bạn sẽ được nhanh chóng thể hiện khả năng của mình để đóng góp giúp công ty phát triển như thế nào.

Bạn muốn “lăng xả” để phát triển nhanh hơn: Các Startup sẽ đòi hỏi bạn cống hiến hết mình cho công việc, phát huy hết khả năng đa nhiệm của bản thân kể cả là trong thời gian sau giờ làm việc hay cuối tuần vì nhiệm vụ của bạn sẽ không bao giờ bị giới hạn. Vậy nên đây sẽ là môi trường làm việc mong muốn của bạn nếu bạn thích lăng xả với công việc dù ở đâu, khi nào. 

7. Bí kíp để thành công và tiến xa công việc trong môi trường Startup

Sẵn sàng cho những sự thay đổi: Để được đánh giá cao khi làm việc cho Startup bạn cần phải chuẩn bị sẵn tinh thần để thích nghi với những thay đổi từ hệ thống vận hành của các công ty khởi nghiệp. Sự thay đổi sẽ thể hiện mặt tích cực của các công ty khởi nghiệp khi họ luôn nỗ lực để tối ưu hóa bộ máy và quy trình làm việc còn non trẻ của mình.

Hiểu rõ công việc của mình: Tại một công ty khởi nghiệp, những mô tả công việc không được cụ thể, bạn có thể là người đầu tiên đảm nhận vị trí mà bạn được tuyển. Vì vậy bạn cần hiểu rõ về những gì bạn đang làm. Bạn có thể tự mình tạo ra quy trình làm việc cho vị trí đó cũng như đặt ra những mục tiêu phù hợp với khả năng của bản thân để theo đuổi.

Sẵn sàng đảm nhận nhiều vai trò: Khi làm việc cho startup, những nhân viên năng động, ham học hỏi và sẵn sàng linh hoạt cho mục tiêu chung của công ty sẽ được đánh giá cao trong môi trường khởi nghiệp. Hãy luôn sẵn sàng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, dù chúng không phải là một phần trong vị trí bạn được tuyển. 

Không ngại xông pha: Các công ty khởi nghiệp thường có số lượng nhân viên không nhiều. Vì vậy, bạn cần phải luôn trong tư thế sẵn sàng chấp nhận thử thách đến từ những dự án mới, thậm chí bạn là người duy nhất làm việc trong dự án đó. Khi thành công, bạn sẽ có những điểm sáng trên con đường sự nghiệp của mình vì đây là dự án bạn đã làm việc độc lập mà không đi theo sự chỉ dẫn của bất kỳ ai. Bạn sẽ có cơ hội thăng tiến vượt bậc trong tương lai, về cả chuyên môn lẫn chức vụ.

Sẵn sàng học hỏi: Công ty khởi nghiệp là một môi trường cho phép bạn học được rất nhiều điều mới, kể cả những thứ nằm ngoài phạm vi chuyên môn của mình. Đây là một môi trường mà mỗi cá nhân đều có những ảnh hưởng nhất định đến mục tiêu chung, bạn sẽ cảm thấy bản thân đang lớn lên cùng doanh nghiệp của mình mỗi ngày. 



Kết:

Các công ty khởi nghiệp thường tập trung vào đổi mới, thực hành và mở rộng quy mô để tăng trưởng, trong khi tinh thần kinh doanh có thể đề cập đến tất cả các hoạt động kinh doanh và tập trung vào lợi nhuận. Làm cho Startup, nhân viên có thể làm nhiều việc khác nhau và khám phá hết khả năng của mình nên thấy hấp dẫn hơn. Trong khi đó, các công ty lâu đời lại có quy trình chuẩn chỉnh riêng, mỗi nhân viên thường chỉ bắt đầu với một khâu đặc thù trong hệ thống. Dù lựa chọn theo con đường nào đi chăng nữa, bạn nên luôn làm việc nhiệt huyết, và cố gắng nâng cấp bản thân để tiến xa hơn trong sự nghiệp phía trước nhé! 


                                                                                                                                                                                                                 Tổng hợp: Huỳnh Hiếu