CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN - BÍ MẬT CỦA KỸ THUẬT SỐ, THỜI CƠ CỦA CÁC STARTUP
CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN - BÍ MẬT CỦA KỸ THUẬT SỐ, THỜI CƠ CỦA CÁC STARTUP
Vào cuối tháng 9/2021, cuộc khảo sát với quy mô lớn do tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách hàng đầu thế giới Startup Genome đã diễn ra với sự tham gia của hơn 10.000 giám đốc điều hành startup trên toàn thế giới đã cho thấy có hơn 10% công ty đã tập trung sử dụng công nghệ Blockchain trong giai đoạn khởi nghiệp. Đây chỉ là con số khởi đầu cho sự phát triển của công nghệ Blockchain trong 5 đến 10 năm kế tiếp.
Và với sự phát triển không ngừng nghỉ, Blockchain đã lọt vào top những công nghệ phát triển nhanh nhất trong số các công ty khởi nghiệp toàn cầu sánh ngang với công nghệ AI, dữ liệu lớn (Big Data). Việt Nam - một quốc gia đang phát triển một cách năng động, sáng tạo và đang trên con đường tiếp cận gần hơn với các công nghệ hiện đại của thế giới đã công nghệ Blockchain vào một số lĩnh vực để phát triển.
Có thể nói, Việt Nam là vùng đất màu mỡ đã và đang được Blockchain bồi đắp để phát triển. Và nếu các bạn muốn khám phá công nghệ Blockchain thì bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một cách đầy đủ và ngắn gọn nhất những điều cơ bản về công nghệ Blockchain và những ý tưởng hay có thể áp dụng vào mô hình khởi nghiệp của riêng bạn.
1. Công nghệ Blockchain là gì?
Blockchain ban đầu được mô tả bởi một nhóm các nhà nghiên cứu vào năm 1990 với mục đích để đánh dấu thời gian của tài liệu bằng kỹ thuật số để nó không thể thay đổi được hoặc làm xáo trộn chúng. Tuy nhiên, ý tưởng này không được áp dụng dụng cho đến năm 2008, Satoshi Nakamoto - một kỹ sư phần mềm của Nhật Bản đã chuyển thể thành tiền mã hóa Bitcoin thì công nghệ Blockchain mới chính thức ra đời.
Blockchain là công nghệ mà các thông tin được lưu trữ và truyền dạng dưới dạng các khối (block) được liên kết với nhau và các thông tin trong các khối sẽ được mã hóa bằng một hệ thống vô cùng phức tạp để đảm bảo độ an toàn cao. Sự khác biệt của công nghệ này nằm ở chỗ, các thông tin dữ liệu sẽ không bị thay đổi mà chỉ được cập nhật hoặc bổ sung thêm. Vì vậy, công nghệ Blockchain là một lựa chọn tuyệt vời cho sự an toàn, tính minh bạch, chính xác cao và có thể hoạt động rộng rãi.
Blockchain (chuỗi khối) là một dạng sổ sách được lưu trữ và truyền tải dưới dạng kỹ thuật số và có tính bảo mật cao. Và cuốn sổ này có khả năng phân tán (DLT) và hoàn toàn mở cửa cho bất cứ ai có nhu cầu giao dịch mà không cần thông qua bất kỳ trung gian nào. Những giao dịch này sẽ được lưu trữ riêng lẻ và vĩnh viễn trong các khối và sẽ được liên kết với nhau theo thứ tự nhất định.
2. Bối cảnh tại Việt Nam của việc ứng dụng công nghệ Blockchain
Trong vài năm gần đây, công nghệ Blockchain đã và đang dần được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như bất động sản, du lịch, thể thao,... Blockchain như một loại công nghệ xây dựng lên phần mềm cải tiến quy trình kinh doanh trong thời đại công nghệ phát triển. Hứa hẹn khả năng cải thiện quy trình kinh doanh giữa các công ty, giúp giảm triệt để “chi phí tin cậy”. Vì lý do này, nó có thể mang lại lợi nhuận cao hơn đáng kể cho mỗi đồng tiền chi tiêu so với việc chi tiêu truyền thống.
Trong 2 năm qua, công nghệ Blockchain đã được đánh giá là cơ hội cho quá trình khởi nghiệp của các startup Việt. Số lượng và tổng giá trị các khoản đầu tư của các dự án khởi nghiệp bằng công nghiệp Blockchain tăng mạnh. Và sự phát triển của Blockchain ở Việt Nam còn được biểu hiện rất rõ vào thời kỳ đại dịch Covid-19, một thời kỳ với những sự biến đổi phức tạp cả về kinh tế và xã hội, vậy mà đây lại được coi là thời điểm vàng khi có những doanh nghiệp về Blockchain được định giá hàng tỷ đô.
Theo dự báo của các nhà nghiên cứu kinh tế, trong khoảng 7 đến 8 năm nữa sẽ có khoảng 30% hệ thống kinh doanh sẽ triển khai và có thể sở hữu công nghệ lõi của Blockchain. Và nếu có thể thực hiện hóa các mục tiêu thì có thể Việt Nam sẽ trở thành nước dẫn đầu trong lĩnh vực Blockchain và phát triển kinh tế số. Đây là dự báo tốt cho các startup dựa trên hệ thống Blockchain và sẽ là một tiền đề cho sự cách mạng hóa trong việc sử dụng công nghệ vào kinh doanh.
3. Một số ưu điểm của công nghệ Blockchain
Tiết kiệm chi phí: Tiết kiệm chi phí là ưu điểm dễ nhận thấy nhất khi ứng dụng công nghệ Blockchain. Thay vì phải trả tiền cho ngân hàng để xác minh một giao dịch, một công chứng viên để ký một văn bản,... Blockchain loại bỏ nhu cầu xác minh của bên thứ ba và cùng với đó là các chi phí liên quan của họ. Ví dụ: các startup phải chịu một khoản phí nhỏ mỗi khi nào họ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, vì các ngân hàng và công ty thanh toán phải xử lý các giao dịch này. Mặt khác, Bitcoin không có cơ quan trung ương và phí giao dịch được hạn chế. Không những cắt giảm được các quy trình xác minh không cần thiết, giảm thiểu lỗi mà còn giảm tải việc lưu trữ bằng giấy truyền thống.
Tính bảo mật cao: Công nghệ Blockchain sử dụng một hệ thống mã hóa chuyên nghiệp và phức tạp cùng với các thuật toán có độ khó cao. Dữ liệu một khi được cập nhật vào hệ thống thì rất khó giả mạo và chỉnh sửa, bởi nó sẽ được chia sẻ và xác nhận bởi hàng triệu máy tính trong mạng lưới.
Dữ liệu không bị mất: Khi một giao dịch được ghi lại, tính xác thực của nó phải được xác minh bởi hệ thống công nghệ Blockchain. Hàng nghìn máy tính trên công nghệ này sẽ nhanh chóng xác nhận các chi tiết của giao dịch. Sau khi máy tính đã xác nhận giao dịch, nó sẽ được thêm vào các khối Blockchain. Trong mạng Blockchain, nếu như một máy tính bị sập thì dữ liệu trên đó hoàn toàn không bị mất bởi các máy tính khác trong hệ thống đó đã sở hữu bản sao.
Giao dịch rộng rãi: Nếu như các giao dịch trước kia bị hạn chế bởi múi giờ và cần phải có sự xác nhận của tất cả các bên thì Blockchain hạn chế sự tham gia của con người vào quá trình xử lý, điều này tạo điều kiện cho các giao dịch xuyên biên giới.
Đảm bảo sự minh bạch: Hầu hết công nghệ Blockchain hoàn toàn là phần mềm mã nguồn mở. Điều này có nghĩa là bất kỳ ai đều có thể xem mã của nó. Không những thế, ai cũng có thể theo dõi được đường đi của dữ liệu trong Blockchain từ địa chỉ này tới địa chỉ khác và thống kê toàn bộ lịch sử trên địa chỉ đó. Bạn không bao giờ có thể giả mạo trên mạng lưới Blockchain nhờ sự minh bạch và khả năng kiểm toán của công nghệ này. Vậy nên rất nhiều tổ chức đã tận dụng ưu điểm này để chống rửa tiền.
Giảm thiểu sự chậm trễ khi xử lý giao dịch: Bất cứ quy trình nào liên quan đến tài liệu truyền thống thường mất vài ngày để xử lý. Sự chậm trễ này xảy ra do có rất nhiều bên trung gian cũng như các bước thủ tục không cần thiết. Ngược lại, công nghệ Blockchain được chạy trên internet vì chúng chỉ là các đoạn mã phần mềm, không phải xử lý thủ công bởi con người và không phải chuyển qua các bước trung gian nên sẽ tiết kiệm một khoảng thời gian không nhỏ.
4. Ứng dụng của công nghệ Blockchain lên các lĩnh vực startup
Trong quá trình phát triển của nền kinh tế, công nghệ Blockchain được xem là cột mốc cho sự đổi mới trong các dự án khởi nghiệp của các startup trên toàn thế giới. Và theo số liệu đã được thống kê, tổng số tiền mà thế giới đã đầu tư vào công nghệ Blockchain là khoảng hơn 11 tỷ USD và con số này còn sẽ tăng nữa trong những năm tới.
Và hiện nay, công nghệ Blockchain đang được ứng dụng vào 50 lĩnh vực trên toàn thế giới. Tuy Blockchain hiện tại đang ứng dụng nhiều nhất vào tiền điện tử nhưng công nghệ này mang lại tiềm năng phục vụ rất nhiều ứng dụng. Tùy vào mục đích sử dụng, Blockchain có thể sử dụng với nhiều cách thức khác nhau.
Đồng tiền ảo và ứng dụng của nó trong khởi nghiệp: Có thể nói đây là một ứng dụng khá hữu ích trong việc quản lý tài chính đối với các startup thường xuyên giao dịch qua mạng lưới Internet. Khi mọi người thực hiện giao dịch tiền điện tử thì những giao dịch ấy sẽ được ghi lại trên một chuỗi khối nhờ tính chất phân cấp lưu trữ thông tin của hệ thống chuỗi khối trong các đồng tiền ảo. Vì lý do đó, chúng ta có thể theo dõi tất cả các giao dịch một cách minh bạch bằng cách có một nút cá nhân hoặc sử dụng các trình khám phá chuỗi khối cho phép mọi người xem các giao dịch diễn ra trực tiếp. Nhờ vậy nên nếu số tiền điện tử của doanh nghiệp bị đánh cắp và được di chuyển hoặc chi tiêu ở đâu đó, thì toàn bộ giao dịch ấy sẽ được theo dõi.
Ứng dụng Blockchain trong khởi nghiệp về y tế: Hệ thống chuỗi khối kết hợp với các công nghệ IoT cho phép các cơ sở chăm sóc sức khỏe quản lý hồ sơ hiệu quả và chính xác hơn. Điều này rất quan trọng, nếu các startup về y tế áp dụng hệ thống này ngay từ đầu thì hệ thống dữ liệu sẽ trở nên chặt chẽ và doanh nghiệp sẽ phát triển một cách ổn định hơn. Cùng với đó là toàn bộ quá trình thăm khám và các dữ liệu sức khỏe của bệnh nhân trong từng giai đoạn sẽ được lưu lại, giúp cho bác sĩ dễ dàng theo dõi cho đến khi tìm được hướng giải quyết phù hợp nhất để đảm bảo sức khỏe của bệnh nhân.
Hợp đồng thông minh: Một trong những tiện ích mà blockchain mang lại chính là các hợp đồng tự thực hiện hay còn gọi là “hợp đồng thông minh”. Đây là một phương tiện do công nghệ Blockchain cung cấp cho các giao dịch nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật mà không cần phải tin tưởng vào bên thứ ba. Chỉ cần mỗi bên tham gia giao dịch có sự tin tưởng vào tính chính xác và mật độ thông tin mà hồ sơ giao dịch cung cấp thì không có yêu cầu bổ sung nào về sự tin tưởng giữa các bên. Tính năng này giúp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ không cần chi quá nhiều chi phí tin tưởng, có thể ký kết nhiều hợp đồng mà không cần chi phí tin tưởng.
Sự bảo mật và tính công khai: Công nghệ Blockchain đang được các chuyên gia nghiên cứu và tìm cách áp dụng trong bỏ phiếu để ngăn chặn việc gian lận vì công nghệ chuỗi khối chỉ bao gồm một sổ cái duy nhất được thiết lập theo thỏa thuận chung và được chia sẻ bởi hàng triệu nút. Để thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với dữ liệu hiện có trong mạng lưới, người thực hiện sẽ cần phải có sự đồng thuận trên 50% tổng số nút mặc định một cách đồng thời. Theo lý thuyết, những ý kiến công nghệ Blockchain cho phép người bỏ phiếu không thể bị giả mạo. Tính năng này có lẽ là đặc tính phù hợp nhất của công nghệ Blockchain đối với các startup có nhiều cổ đông hay đơn giản là thu thập ý kiến từ khách hàng.
5. Các Tech startup nổi bật trong việc áp dụng hệ thống Blockchain
Ở Việt Nam hiện nay, áp dụng công nghệ Blockchain là một trong những xu thế giúp các startup thu hút dòng vốn. Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia đi đầu về Blockchain, hiện có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam trong lĩnh vực Blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD.
Thuộc vào danh sách nổi bật chính là Tomochain (được thành lập năm 2016), một trong những startup Blockchain đi đầu trong công nghệ đột phá, đã thành công trong việc kêu gọi vốn thành công 8,5 triệu USD. Tomochain được tạo ra để trở thành một mạng lưới chain nhằm hỗ trợ tốc độ xác nhận giao dịch tối đa với mức phí gần như không đáng kể, trong khi đó, các hợp đồng thông minh sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng cho DApps, phát hành và tích hợp token cho cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Và một trong những startup tiêu biểu trong lĩnh vực áp dụng công nghệ Blockchain chính là Kyber Network – top 10 thế giới các startup huy động được nhiều vốn bằng tiền ảo nhất trong năm 2017. Sau gần 2 năm ra mắt và hơn 1 năm đi vào nhà sản xuất, Kyber hiện đã xây dựng được hệ sinh thái lớn bậc nhất trên thị trường ứng dụng tài chính phi tập trung của Ethereum và sẽ không ngừng phát triển các sản phẩm nhằm đem lại giá trị lớn cho người dùng và hệ sinh thái ứng dụng phân tán.
Xét về lĩnh vực vườn ươm, Icetea Lab được bình chọn là “vườn ươm” tập trung nhất cho các dự án blockchain trong nước. Icetea Lab là một công ty tư vấn và ươm tạo có nền tảng công nghệ mạnh mẽ. Họ tập trung vào các dịch vụ ươm tạo, tư vấn và phát triển cho các công ty startup tiền điện tử. Dự án đầu tiên ra mắt vào thời điểm đó là PolkaFoundry đã mang lại khoảng lợi nhuận khổng lồ gấp 48 lần cho các nhà đầu tư sớm.
Đối với hạng mục blockchain phát triển bền vững hàng đầu, Kardia Chain được các chuyên gia đánh giá cao nhất với tỷ lệ bình chọn lên tới 66%, cùng với Tomochain và Ronin Chain. Về hệ sinh thái tài chính phi tập trung (DEFI), Kardia Chain cũng đang được đánh giá xếp ở vị trí top 1 Việt Nam.
Kết quả khảo sát thị trường Blockchain Việt năm 2022 cũng cho thấy, Realbox hiện là startup Việt ứng dụng công nghệ Blockchain tốt nhất trong lĩnh vực bất động sản. Calo Metaverse là startup Việt ứng dụng công nghệ Blockchain tốt nhất trong lĩnh vực thể thao. Riêng với dịch vụ du lịch, startup CrystaBaya hiện được đánh giá cao nhất.
Trong số các dự án Blockchain Việt, Sipher được đánh giá là startup gọi vốn thành công nhất năm khi kiếm về 6,8 triệu USD. Trong khi đó, tựa game Metados hiện được đánh giá là dự án GameFi có tiềm năng phát triển hàng đầu. Ở mảng Lauchpad IDO, Lauchzone, FAM Central và BHO Lauchpad hiện là những nền tảng phổ biến nhất.
6. Thách thức cho các startup khi ứng dụng công nghệ Blockchain
Tuy nhiên để triển khai hệ thống Blockchain cho các doanh nghiệp cần phải có nguồn vốn lớn. Blockchain đắt hơn so với các cơ sở dữ liệu truyền thống, để xây dựng một ứng dụng Blockchain thì chi phí rất lớn, gấp 4-5 lần bình thường.
Cùng với đó là hạn chế khả năng sửa đổi dữ liệu. Khi nhập một dữ liệu vào hệ thống Blockchain ta sẽ khó mà có thể thay đổi hay chỉnh sửa. Nếu muốn tinh chỉnh dữ liệu sau khi đã nhập vào ta cần phải thay đổi các mã trong tất cả các khối, điều này tốn thời gian và chi phí, gây khó khăn cho các khởi nghiệp, những doanh nghiệp mới cần nhiều sự cải cách.
Việt Nam là một thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội phát triển cho công nghệ Blockchain trong thời gian tới. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững, các startup và doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ này một cách triệt để và bài bản thay vì chỉ “gắn mác” Blockchain để gọi vốn.
Và việc nhận thức về công nghệ Blockchain ở Việt Nam vẫn chưa toàn diện. Nhiều startup nhìn nhận Blockchain chỉ như hoạt động kinh doanh tiền ảo, chỉ để phục vụ các dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, đầu cơ là chủ yếu, mà không thấy rằng công nghệ Blockchain có ứng dụng rất rộng rãi trong thương mại, quản trị doanh nghiệp hay hoạt động sản xuất, hoặc cho rằng đây là công nghệ rất hiện đại, khó tiếp cận, chưa nhìn nhận công nghệ này ở góc độ gần gũi hơn với đời sống.
Kết:
Công nghệ Blockchain đang dần trở thành một phần quan trọng trong các doanh nghiệp hoạt động trong thời kì kĩ thuật số này. Với ngày càng nhiều ứng dụng thực tế đã được triển khai và khám phá, trong đó nổi bật nhất là Bitcoin, công nghệ Blockchain dần tạo nên vị thế của mình trong thúc đẩy hoạt động lưu trữ, giao dịch chính xác, ít khâu trung gian hơn. Giống như mọi công nghệ mới, đây là một thay đổi mang tính cách mạng. Nhưng liệu những startup Việt Nam có thể bắt kịp xu thế để tạo nên bước tiến hay bỏ lỡ cơ hội này. Nếu muốn tạo một bước ngoặt trong phát triển kinh tế các nhà khởi nghiệp phải luôn thay đổi, thích nghi và liên tục trau dồi kiến thức mới. Các nhà khởi nghiệp hãy nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế trong tương lai bằng cách ứng dụng công nghệ Blockchain mới nhất này nhé.
Tổng hợp: Hoàng Thuận