KHỞI NGHIỆP VỚI MÔ HÌNH LÝ TƯỞNG TỪ NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI
KHỞI NGHIỆP VỚI MÔ HÌNH LÝ TƯỞNG TỪ NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI
“Nhượng quyền thương mại” từ lâu đã bùng nổ mạnh mẽ ở các nước có nền kinh tế phát triển nhưng chỉ vừa du nhập vào Việt Nam và được dự đoán sẽ trở thành mô hình kinh doanh nổi bật trong thời gian sắp tới.
Thuật ngữ “Nhượng quyền thương mại” có lẽ còn khá mới mẻ so với nhiều bạn trẻ nên hãy cùng chúng mình đi tìm câu trả lời cho vấn đề đang được thắc mắc này nhé!
I. Nhượng quyền thương mại là gì?
Nhượng quyền thương mại là giấy phép được cấp cho một cá nhân hoặc tổ chức (bên nhận quyền chuyển nhượng) được kinh doanh loại hình dịch vụ và hàng hóa của bên nhượng quyền.
Ở thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra ngoài lãnh thổ và đang tìm kiếm vị trí để phát triển cửa hàng nhượng quyền với mong muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam với toàn cầu.
II. Bốn phương pháp trong mô hình nhượng quyền thương mại
Như chúng ta được biết, trong mọi hoạt động kinh doanh đều có những phương pháp hữu dụng nhằm xây dựng một “đế chế” thương hiệu thành công và vững mạnh. Trong mô hình nhượng quyền thương mại sẽ bao gồm 4 loại hình hoạt động để tạo nên sự đặc biệt của nó:
Full business format franchise (nhượng quyền kinh doanh toàn phần): Đây là hình thức chuyển nhượng quyền toàn diện. Trong phương pháp này, bên được nhượng quyền sẽ nhận toàn bộ thông tin sản phẩm, công thức, bí quyết để kinh doanh.
Non-business format franchise (nhượng quyền kinh doanh bán phần): Về hình thức trên, bên được nhượng quyền chỉ nhận một phần thông tin của sản phẩm và thực hiện vấn đề kinh doanh như xử lý đơn hàng, vận chuyển mà không có sự can thiệp của bên chuyển nhượng.
Management franchise (nhượng quyền tham gia quản lý): Dưới hình thức kinh doanh này, bên chuyển nhượng sẽ được tham gia quản lý, điều hành, sử dụng thương hiệu và có trách nhiệm phải đảm bảo chất lượng, duy trì ổn định các hoạt động cho thương hiệu.
Equity franchise (nhượng quyền kinh doanh tham gia đầu tư vốn): Ở trường hợp này, bên nhượng quyền có thể trở thành cổ đông của doanh nghiệp mặc dù có số vốn đầu tư nhỏ hoặc không đáng kể và phù hợp với các doanh nghiệp đặc biệt muốn phát triển.
III. Những ưu điểm, nhược điểm trong nhượng quyền thương mại
Để có cái nhìn tổng quan và chính xác về nhượng quyền thương mại, chúng ta hãy cùng phân tích ưu và nhược điểm của loại mô hình này.
1. Ưu điểm
Đầu tiên, nhượng quyền thương mại bao gồm những ưu điểm sau đây:
Tạo ra mức doanh thu ổn định và đều đặn: Khi nhượng quyền thương hiệu, các doanh nghiệp sẽ nhận được khoản chi phí bản quyền từ thương hiệu.
Xây dựng một hệ thống thương hiệu: Những người nhận nhượng quyền sẽ xây dựng thương hiệu có độ ảnh hưởng nhất định và ngày càng mở rộng hệ thống cả trong và ngoài nước.
Cải thiện và nâng cao chất lượng của nhân viên: Để phát triển một doanh nghiệp bền vững, điều đầu tiên cần quan tâm đó chính là yếu tố nhân viên nhằm nâng cao, đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng.
Tăng độ nhận diện thương hiệu: Đây là ưu điểm giúp những cá nhân, doanh nghiệp quảng bá hình ảnh của mình trên nhiều phương tiện truyền thông cũng như được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến hơn.
2. Nhược điểm
Bên cạnh những điểm cộng, nhượng quyền thương mại cũng tồn tại một số nhược điểm nhất định:
Thiếu sự đột phá: Sự chuyển mình để phát triển của các doanh nghiệp theo mô hình nhượng quyền sẽ bị hạn chế bởi hợp đồng đã cam kết trước đó.
Cạnh tranh: Một số cửa hàng nhượng quyền sẽ có sự cạnh tranh với nhau để đạt lợi nhuận và tạo nên hình ảnh không tích cực cho khách hàng.
Rủi ro hiệu ứng “chuỗi”: Đây là nhược điểm thường được bắt gặp khi chỉ một thương hiệu có rủi ro sẽ ảnh hưởng đến những chi nhánh khác.
Không sở hữu hoàn toàn thương hiệu: Khi đã hoạt động theo mô hình nhượng quyền thương mại, doanh nghiệp chỉ hoạt động theo đúng quyền kinh doanh có trong thỏa thuận.
IV. Ứng dụng thực tế từ nhượng quyền thương mại
Một ví dụ về nhượng quyền thương mại nước ngoài thành công tại Việt Nam hiện nay là KFC với gần 20.000 cửa hàng trên khắp các quốc gia. Sau khi nhượng quyền, KFC sẽ đưa hướng dẫn chi tiết về thực đơn, chạy quảng cáo và cung cấp các thiết bị phục vụ kinh doanh cho bên được nhượng quyền. Ngoài ra, những cửa hàng cà phê như Cà Phê Trung Nguyên, Gloria Jean’s Coffee,... cũng đang tìm kiếm đối tác để quảng bá độ nhận diện của thương hiệu và mở rộng kinh doanh nhượng quyền. Đó chính là chiến lược thông minh bởi thực phẩm là nhu cầu thiết yếu của người dân và những món ăn được chế biến, bày trí bắt mắt đang là xu hướng của các bạn trẻ GenZ.
Lời kết
Sự phát triển vượt bậc của Việt Nam đang thu hút các nhà kinh doanh trong nước và nước ngoài tham gia vào đầu tư vốn của các mô hình kinh doanh - dịch vụ. Hình thức nhượng quyền thương mại là lựa chọn đáng cân nhắc cho cho các doanh nghiệp cũng như các nhà khởi nghiệp trẻ trong thời gian sắp tới tuy nhiên chúng ta nên tìm hiểu kỹ ưu nhược điểm của loại hình này để có thể xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.
Tổng hợp: Thảo My