Trong lúc anh chạy dự án này anh thấy điều gì là khó khăn nhất ?
Là trong giai đoạn đầu phải xây dựng quy trình làm việc. Khi đó, bọn anh đứa nào cũng là sinh viên nhưng lại phải vận hành cả một bộ máy hoạt động. Đối với tụi anh, Lạc Trip là dự án khởi nghiệp đầu tiên, nên tất cả mọi thứ cả bọn đều phải học trên mạng, học từ người khác, học từ những lần thất bại… phải học rất là nhiều.
Bên cạnh đó,việc lắng nghe và dung hòa ý kiến mọi người cũng là một thử thách dành cho bọn anh bởi vì chín người thì mười ý, ai cũng đều có một quan điểm và suy nghĩ riêng. Nhưng từ chỗ những suy nghĩ khác biệt đó, anh và các thành viên khác trong team sẽ cùng ngồi thảo luận và tìm ra hướng đi chung thật sự phù hợp cho tất cả các bạn.
Khi mình làm chung với nhau thì anh đã quản trị nhóm của mình như thế nào? Làm thế nào để tạo một môi trường làm việc tự do thoải mái ?
Nhắc tới vấn đề này, thì có hai trường hợp: đó là khi anh làm việc với Partner và với những bạn nhân viên.
Với danh nghĩa Co-founder, cùng sẻ chia chức vụ và quyền lợi của người đồng làm chủ, thì mình phải thẳng thắn với nhau, lúc đầu có những tranh cãi rất quyết liệt, nhưng mà sau cùng thì cũng giải quyết ổn thỏa hết.
Còn đối với những bạn nhân viên, trên cương vị người lãnh đạo, mình phải biết cân nhắc, lúc nào nên cương lúc nào nên nhu.
Trong quá trình làm việc với những người trẻ, họ thường rất năng nổ và tích cực phản bác. nên anh thường không gặp vấn đề như là các bạn thụ động, rụt rè.
Anh cảm thấy rất may mắn là team mình không xảy ra trường hợp đó, các bạn trẻ có rất nhiều năng lượng, thậm chí khi anh trình bày ý tưởng, các bạn ấy còn sẵn sàng phản bác và mạnh dạn đưa ra quan điểm của mình
Anh có thể chia một chút về co founder của anh được không. Và vai trò của họ trong dự án này?
Co founder của anh là một bạn học Đại học Kinh tế chịu trách nhiệm tuyển dụng nhân sự, quản trị nhân viên. Một bạn học Đại học Sư phạm - Kỹ thuật chịu trách nhiệm về vận hành, tạo ra sản phẩm, còn anh chịu trách nhiệm về quản lý dự án. Trong quá trình thực hiện, không chỉ mình anh mà còn có cả một team sau lưng anh hỗ trợ cho anh. Đó là một động lực để anh đi được đến ngày hôm nay.
Anh có tiếc không khi mà dự án của anh có tính khả thi, đã chạy thực tế rồi nhưng không lọt vào top 3?
Khi anh nói chuyện với mentor thì nhận được chia sẻ thẳng thắn là dự án này khả thi và có thể triển khai được. Top đầu là những dự án khác lạ hơn một chút, nhìn nó sáng tạo, vĩ mô và hoành tráng.
Còn về dự án của anh, anh chỉ cảm thấy là bản thân anh là người trẻ, ngay cả bạn bè anh cũng có nhu cầu đi du lịch mà chưa có công ty nào tạo ra được những chuyến đi trải nghiệm như vậy, nên anh đã quyết định tạo ra một dự án để đáp ứng mong muốn của những bạn trẻ đó.
Những năm trước đây, đi du lịch trải nghiệm là một xu hướng rất hot ,anh có nghĩ là những chuyến đi của anh sẽ downtrend nhanh khi khi mà những bạn trẻ có nhiều xu hướng mới hơn? Làm sao để những chuyến đi của anh thu hút những người trẻ?
Thực ra cái gì cũng nên cải tiến,cá sẽ chết khi chỉ biết bơi xuôi dòng,do đó trong quá trình thực hiện, mình phải biết đổi mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng, mở rộng nhiều hình thức khác chứ không chỉ tổ chức tour nữa. Chẳng hạn như tụi anh có bán đồ đi phượt, bán đặc sản, làm bất cứ điều gì để có được doanh thu.
Bên cạnh đó, để thu hút khách hàng tất nhiên phải có những chiến lược marketing, branding. Hiện tại tụi anh đang tập trung tấn công vào các trường đại học, sử dụng networking và mối quan hệ với các đối tác của tụi anh. Ví dụ như, các CLB sự kiện thuộc trường đại học Tôn Đức Thắng hay Sư Phạm Kĩ Thuật, tụi anh sẽ tài trợ nhân lực và tổ chức team building.
Nguồn thu hướng tới đầu tiên sẽ là sinh viên và là giá trị cốt lõi của tụi anh. Tất nhiên là sẽ vẫn bán cho các công ty nhưng chủ yếu hướng về những người trẻ để có nguồn vốn để duy trì. Tụi anh luôn nhận thức được là cái mà tụi anh sáng tạo ra, đầu tiên phải luôn hướng đến sinh viên các thế hệ trẻ.
Khi tham gia STZ năm ngoái chặng thi nào để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất?
Là chặng thi top 50 mà anh phải đối mặt 7 anh chị doanh nhân, lúc đó họ đặt cho anh rất nhiều câu hỏi về tính khả thi dự án của mình và tại sao tôi phải chọn bạn. Đó là lúc mà anh được hỏi những câu mà anh cũng không suy nghĩ về nó trước đó.
Anh có thể chia sẻ những khó khăn mà mình gặp phải khi tổ chức tour ?
Để tổ chức tour, team anh phải đi tiền trạm, xem xét là ở đây mình có thể làm gì với nó. Quá trình lên bản demo mình phải suy nghĩ thận trọng để khi rút gọn lại tour, nó sẽ trở nên hợp lí và thú vị. Mình cũng phải chạy đua với thời gian vì ngân sách có hạn. Cực vậy nhưng mà trong khoảng thời gian chạy đó, anh đã gặp những người dân rất tốt bụng, họ đã chỉ cho anh những địa điểm rất thú vị, hoang sơ, chưa bị khai thác du lịch quá nhiều, rất thích hợp với những tiêu chí mà team anh đang tìm kiếm.
Dù đôi lúc sẽ gặp những khách hàng không hợp tác với mình, tự ý tách đoàn, mình phải xử lý kịp thời. Hay khi gặp sự cố về giao thông xe cộ, mình cũng phải bình tĩnh giải quyết. Tất cả đều phải dự trù trước.
Cuối cùng là khó khăn về tài chính, khi mới bắt đầu tụi anh phải chạy vạy khắp nơi do khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Anh có thể chia sẻ về kinh nghiệm quản lý dự án của mình?
Theo anh, 3 kỹ năng quản trị dự án cần có gồm:
Biết cách cải tiến sản phẩm của mình.
Biết cách marketing và sale
Có khả năng lãnh đạo, biết cách giao tiếp với nhân viên và tạo động lực để thúc đẩy năng suất làm việc.
Tận dụng triệt để Word of mouth. Mình phải biết cách tổ chức những chương trình hay và quan trọng là mình phải làm ra được những sản phẩm chất lượng. Điều đó sẽ làm cho khách hàng nói tốt về mình, hoặc là mình có thể chạy quảng cáo trên FB - một kênh truyền thông phổ biến nhất hiện nay.
Làm thế nào mà anh có thể tìm được đội hình nhân sự cho mình?
Anh chỉ đơn giản là gặp họ, chia sẻ cho họ về dự án của mình, điều anh mong muốn ở họ và anh có thể đem lại cho họ điều gì
Điều gì khiến cho nhân viên tin tưởng, sát cánh bên mình?
Điều quan trọng của một người lãnh đạo là mình phải biết giao cho họ công việc gì để họ phát huy hết tài năng. Như vậy thì mình mới có thể dễ dàng giúp họ cải thiện được.
Mô hình làm việc của anh là khi giao việc, phải đảm bảo deadline và kết quả. Anh đề cao sự tự giác và chịu học hỏi để nâng cao trình độ bản thân. Anh có thể nhận những người chưa biết gì và sẵn sàng chỉ dạy lại từ đầu, nếu bạn đó thực sự cố gắng và luôn sẵn sàng học hỏi. Còn đối với những người vô trách nhiệm, quan điểm của anh thì không muốn làm việc với họ
Anh nghĩ như thế nào về mentor của mình?
Anh ấy cũng từng chạy những dự án giống như vậy nên anh rất có nhiều kinh nghiệm để truyền dạy. Nhiều lúc, anh cảm thấy anh ấy còn rõ dự án hơn cả anh nữa
Điều gì làm anh tiếc nhất lúc khởi nghiệp?
Thực ra, trong lúc anh làm dự án, có rất nhiều người muốn hợp tác với anh, nhưng hiện tại thì nó hơi quá sức với anh. Nên anh dự định chờ một hai năm nữa, anh sẽ quay lại nói chuyện hợp tác với họ. Hiện tại, thì bên tụi anh vẫn chưa đủ nguồn nhân lực. Đã có rất nhiều công ty đặt đơn hàng bên anh hàng tuần luôn nhưng rất tiếc là phải từ chối. Thời gian đầu, nhiều người nghĩ rằng nên nhận hết rồi làm rồi tới đâu thì tới . Nhưng như thế, nếu vỡ lở ra sẽ rất khó phát triển lâu dài.
Phải luôn học hỏi và có tinh thần cầu tiến, các bạn không thể biết hết tất cả mọi thứ. Các bạn cũng không có tiền để mà mướn nhân tài về đâu, phải tự mình làm hết, tự học và nâng cao năng lực của bản thân. Mình phải tự giúp mình trước chứ không thể đợi ai giúp mình cả.
Anh có lời khuyên gì cho những người khởi nghiệp?
Anh muốn khuyên họ nếu mình muốn khởi nghiệp thì cần phải sự kiên trì và phải tin tưởng vào dự án của mình. Bởi vì khi mới bắt đầu thực sự có rất nhiều người ngăn cản anh nhưng anh đã nói không, anh muốn có một cuộc đời “sóng gió” hơn và chứng minh cho ba mẹ anh thấy con đường anh chọn đang một phần nào đúng. Những năm đầu có thể anh không có mức lương như ba mẹ anh mong muốn nhưng sau này anh sẽ có mức thu nhập cao hơn vậy. Em phải tin vào điều mình đã chọn.